Tài chính

Thoái vốn ở Vinamilk: Nhà đầu tư nước ngoài được ký quỹ bằng USD

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể chọn hình thức ký quỹ bằng USD nhằm tạo thêm sức hút cho đợt chào bán 9% cổ phần Vinamilk.

Thoái vốn ở Vinamilk: Nhà đầu tư nước ngoài được ký quỹ bằng USD

Vinamilk tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2016. Ảnh: Đức Thanh

Lộ trình trở thành thương vụ thoái vốn tỷ đô của Vinamilk

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 23/11, mức vốn hóa thị trường của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM) đạt hơn 201.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu 44,73%, phần vốn của SCIC tại Vinamilk có trị giá hơn 96.500 tỷ đồng và đợt chào bán 9% cổ phần Vinamilk vào ngày 2/12/2016 tới có quy mô gần 18.400 tỷ đồng theo thị giá. Đây sẽ là thương vụ tỷ đô thứ hai trên thị trường Việt Nam trong năm 2016, sau sự kiện Central Group (Thái Lan) mua lại siêu thị Big C với giá 1,14 tỷ USD từ hãng bán lẻ Casino (Pháp) hoàn tất hồi đầu năm.

Câu chuyện thoái vốn của Vinamilk bắt đầu từ tháng 10/2015 với Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về Đề án Tái cơ cấu SCIC của Thủ tướng Chính phủ. Công văn yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét và quyết định việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamilk và 9 doanh nghiệp khác nhằm "đạt được lợi ích cao nhất". Điều này khá bất ngờ vì trước đó, tại Quyết định 2344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu SCIC, Vinamilk là một trong 4 công ty được chấp thuận cho SCIC đầu tư lâu dài.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2016, Vinamilk chính thức thông qua việc mở room lên 100% cho nhà đầu tư ngoại và đến cuối tháng 7/2016, thì các thủ tục được hoàn tất. Đây là bước chuẩn bị quan trọng thứ hai cho lộ trình thoái vốn.

Với phần sở hữu trị giá hàng tỷ USD, rất khó đảm bảo SCIC thoái vốn thành công và "thu được lợi ích cao nhất" nếu không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài - vốn rất quan tâm đến cổ phiếu thống lĩnh thị trường sữa Việt Nam.

Hiện chưa có nhà đầu tư tổ chức nào lên tiếng sẽ tham gia đấu giá cổ phần Vinamilk

Đầu tháng 10/2016, việc thoái vốn tiến thêm một bước khi các thủ tục được phê duyệt. SCIC công bố thành lập liên danh tư vấn gồm: Morgan Stanley Asia Limited (Morgan Stanley), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Việt Nam (VinaCapital). Trong đó, Morgan Stanley đứng đầu liên doanh để thực hiện tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư, phương án bán vốn, định giá khởi điểm, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán 9% cổ phần mà SCIC đang nắm giữ.

Giới đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm chờ đợi, bởi kết quả của đợt chào bán lần đầu này là cơ sở để SCIC xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn trong các đợt tiếp theo. Cho đến nay, SCIC vẫn chưa chính thức công bố giá khởi điểm của đợt chào bán lần đầu. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), thị trường dự đoán giá khởi điểm là 145.000 đồng/cổ phiếu. 

SCIC cho biết, sẽ không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, mà tạo sự bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể chọn hình thức ký quỹ bằng USD nhằm tạo thêm sức hút trong đợt chào bán. "Đây được xem là đợt chào bán thứ cấp lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016, với giá trị tương đương 900 triệu USD", ông Nguyễn Chí Thành, đại diện SCIC khẳng định.

Hiện chưa có nhà đầu tư tổ chức nào lên tiếng sẽ tham gia đấu giá. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán ACB (ACBS), F&N Dairy Investment (đang nắm giữ 11% cổ phiếu VNM) là một trong những ứng viên tiềm năng bởi nguồn lực tài chính mạnh, hoạt động kinh doanh tương đồng, cũng như xu hướng tăng cường sự hiện diện/đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái.

Với sức hấp dẫn của VNM, thị trường đánh giá khả năng thành công cao của đợt chào bán. Song vấn đề quan tâm hơn là mức định giá và nhà đầu tư nào sẽ lộ diện, vẫn là những cái tên quen thuộc hay xuất hiện nhân tố mới.

Vì sao cổ phiếu Vinamilk hấp dẫn?

Theo báo cáo tài chính mới nhất, Vinamilk tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2016, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 18% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Với cơ cấu tài chính mạnh, nguồn tiền mặt dồi dào, dòng tiền hoạt động kinh doanh hàng ngàn tỷ đồng/năm, chi trả cổ tức đều đặn, Vinamilk được xem là thương vụ đầu tư thành công nhất của SCIC.

Với tài sản vô hình là những thương hiệu Vinamilk đang có trong tay và thống lĩnh thị trường sữa Việt Nam với 49% thị phần bán lẻ sữa (theo giá trị bán lẻ năm 2015), cạnh tranh ngang ngửa tại nhiều phân khúc vốn là thế mạnh của Abbott, Mead Johnson…, Vinamilk rất có giá đối với những công ty/tổ chức muốn mở rộng bản đồ thị phần tại Việt Nam và châu Á. Tại thời điểm cuối quý III/2016, mức vốn hóa thị trường gấp 7,3 lần tổng tài sản của Vinamilk.

So với các công ty cùng ngành trong khu vực, Vinamilk có lợi thế thị trường và triển vọng tăng trưởng, do cơ cấu dân số Việt Nam còn trẻ, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, mức tiêu thụ sữa bình quân còn thấp và người dân không ngừng gia tăng chi tiêu cho sản phẩm này. Trong khi đó, các công ty cùng ngành với Vinamilk trong khu vực đang hoạt động tại những nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp hơn hoặc khó khăn hơn hoặc đã bão hòa.

"Nhiều nhà đầu tư e ngại Vinamilk đã tăng trưởng cao thời gian qua thì còn khả năng tăng trưởng nữa không? Tôi thì rất tự tin. Nhu cầu đang tăng rất cao, tôi cho rằng đó là cơ hội vàng trong 10 năm tới",  bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nói.

"Nữ tướng" của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, luôn tự tin về tương lai của công ty

Nhờ tiềm năng của ngành sữa Việt Nam nói chung và vị thế đầu ngành của Vinamilk nói riêng, mà mức P/E thị trường của Vinamilk luôn được chấp nhận ở mức cao so với mặt bằng chung. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 22/11, Vinamilk đang giao dịch ở mức P/E 21,6 lần, trong khi mức P/E sàn HOSE là 16,15 và P/E bình quân của nhóm ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam là 8,98 theo số liệu Bloomberg. Song so với các công ty cùng ngành trong khu vực, mức P/E này còn thấp hơn khá nhiều.

Về lý thuyết, với tỷ lệ mở room 100% như hiện nay, bất cứ một nhà đầu tư trong và ngoài nước nào cũng có thể sở hữu toàn bộ phần vốn của SCIC tại Vinamilk, miễn là bỏ giá phù hợp. Và nếu như toàn bộ lượng cổ phiếu này rơi vào tay một cá nhân, tổ chức, nhóm nhà đầu tư, cũng có nghĩa họ đủ sức để khống chế thị trường sữa Việt Nam khi sở hữu được cổ phiếu đầu ngành.

Dù kết quả đợt đấu giá lần đầu thế nào, thì câu chuyện Vinamilk và việc thoái vốn của SCIC sẽ tiếp tục là chủ đề dài sau đợt đấu giá đầu tháng 12. Hy vọng rằng, chia tay SCIC, Vinamilk sẽ tìm được một mối lương duyên mới, như cô gái đẹp được gả đúng chỗ, để thương hiệu này tiếp tục được gìn giữ và phát triển.

Tin mới lên