Thị trường

Thông qua Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC

(VNF) – Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017 hôm 8/11 đã thông qua Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC – Bộ Công Thương cho hay.

Thông qua Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC

APEC 2017 đã đạt được thống nhất về Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC

Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC là sáng kiến của Việt Nam và là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.

Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc, gồm: Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý thương mại điện tử của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực;

Tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới;

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC; thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực; giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao trong các năm qua, đạt từ 25 - 35%/năm. Mức độ phổ cập thương mại điện tử trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực.

Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển thương mại điện tử do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ USD và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Với lợi thế dân số trẻ, ước tính 30% dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020; giá trị mua hàng đạt mức trung bình 350 USD.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu. Giao dịch thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp) dự đoán tác động tới 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Thương mại điện tử xuyên biên giới (bao gồm giao dịch B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.

Tính riêng về thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp – người tiêu dùng), doanh thu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.

Tin mới lên