Diễn đàn VNF

Thu hút FDI trong bối cảnh hội nhập và chuyện 'lựa chọn đối tác'

Bước sang năm 2017, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, cần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Thu hút FDI trong bối cảnh hội nhập và chuyện 'lựa chọn đối tác'

Ảnh minh họa.

Thực tiễn hoạt động FDI tại Việt Nam vừa qua và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang đặt ra hai vấn đề sau đây đối với thu hút FDI 2017:

Thứ nhất là thực hiện giải pháp nào cho thu hút FDI trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Thứ hai là lựa chọn nhà đầu tư, loại dự án đầu tư nào cho giai đoạn phát triển mới?

Thu hút FDI 2017 trong bối cảnh hội nhập

Sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đến nay đất nước lại đứng trước những cơ hội mới và thách thức do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết các FTA như: FTA Việt Nam - HànQuốc (VKFTA), FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan, FTA Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…

Các FTA này khi đi vào thực hiện đã và sẽ mở ra các cơ hội mới về đầu tư, kinh doanh cho tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, các thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam lại không nhỏ, do Việt Nam là đối tác có thu nhập thấp hơn trong các hiệp định này, nhưng gần như đồng thời phải thực hiện các cam kết của mình với các đối tác khác nhau theo các hiệp định, với nguyên tắc cao nhất của thông lệ quốc tế.

Thí dụ như với các nội dung và yêu cầu của một FTA có độ mở lớn như TPP, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khối và cả với các nước ngoài khối TPP.

Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi về thuế quan, do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sẵn sàng, đủ mạnh để phát triển được ở trong nước và bước ra bên ngoài, tận dụng các cơ hội tự do về thương mại và đầu tư do các FTA mang lại.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam,không những chưa nắm chắc được các qui định của từng FTA, lại chưa đủ sức vươn xa, do chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu công nghệ, đang loay hoay tại thị trường trong nước, chưa có được sức cạnh tranh trong sân chơi quốc tế. Tình trạng này, nếu không được cải thiện sớm,thế mạnh trong đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong xuất khẩu lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn FDI và các doanh nghiệp ngoại.

Về đầu tư, FDI sẽ chèn lấn các doanh nghiệp trong nước (hiện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang dẫn đầu trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực tại Việt Nam như: điện thoại, các sản phẩm điện và điện tử, các sản phẩm hóa chất, dệt may, giày da, đồ uống, các dự án bất động sản (khách sạn 5 sao, văn phòng căn hộ cao cấp, các khu nghỉ dưỡng ven biển…) các hệ thống bán buôn, bán lẻ cũng đang bị lấn sân dần từng bước.

Riêng đối với TPP, sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào 9/11/2016 vừa qua, việc TPP có khả năng bị bãi bỏ hoặc chậm lại đang trở thành một trong các vấn đề nóng được quan tâm trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế. Đối với Việt Nam, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn tiếp tục quá trình hội nhập toàn cầu, và việc thu hút FDI sẽ vẫn được thực hiện.

Sự có mặt của các TNC lớn là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh FDI của Việt Nam

Nhìn lại các kết quả hợp tác giữa Việt Nam với một số đối tác sau FTA một năm vừa qua, cho thấy rõ hơn các yếu điểm của nền kinh tế Việt Nam, và của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhập siêu từ ASEAN 2015 ở mức 5,5 tỷ USD chủ yếu từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, trong đó phần nhập khẩu cho các dự án FDI tại Việt Nam là không nhỏ.   

Điều cần nhất hiện nay, để tận dụng được cơ hội và vượt qua được các thách thức do các FTA mang lại, Việt Nam cần đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu quả, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng tham gia được vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, sớm có được các sản phẩm hoàn chỉnh của riêng mình cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trên cơ sở Nhà nước tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ vốn, có công nghệ để đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam mới đủ sức giữ được thị trường trong nước và vươn ra bên ngoài.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt và từng doanh nghiệp Việt chủ động tổ chức lại sản xuất, quản lý kinh doanh, chủ động liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đủ vốn, đủ sức cạnh tranh. Hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư, cải cách thủ thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng các dịch vụ sản xuất, cung ứng… cũng tiếp tục đòi hỏi có được sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước để hoàn thiện.

Thu hút FDI: Lựa chọn dự án, lựa chọn đối tác

Sau gần 30 năm thu hút và sử dụng FDI, bên cạnh các thành tựu to lớn mà FDI đã đóng góp cho phát triển KT-XH, FDI cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, như còn nhiều dự án chậm triển khai, gây ô nhiễm môi trường. Còn nhiều dự án hàm lượng công nghệ thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm; các dự án có sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn thấp; tình trạng các nhà đầu tư còn thực hiện hành vi trốn thuế, chuyển giá, bỏ trốn, không quan tâm đến môi trường, đời sống - xã hội nơi đầu tư, đời sống người lao động trong các khu công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn về chỗ ở, vệ sinh an toàn thực phẩm, giờ công và tiền lương còn nhiều bất cập…

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy còn lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về FDI thời gian qua trong lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư, cũng như quản lý dự án sau khi cấp phép đầu tư. Thực trạng trên cũng phản ánh những sai lầm mà các nhà đầu tư đã mắc phải khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam: phải chăng họ đã quá coi trọng lợi nhuận, bỏ mặc các yếu tố cần thiết khác đối với đời sống mỗi con người và xã hội, kể cả nôi họ đã sinh ra hay đang sống ở nơi đầu tư? 

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm Việt Nam luôn chào đón những nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với các doanh nghiệp có vốn FDI.

Đối với các doanh nghiệp FDI, Thủ tướng cũng mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành cho môi trường sống của Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ: "Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp".

Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ngắn gọn nhưng đã làm thức dậy trách nhiệm của nhiều trái tim của cả một hệ thống quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, làm tiền đề cho các cách hành xử chuẩn mức trong lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư của các cấp chính quyền, trong triển khai và vận hành dự án của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.  

Các dự án công nghệ cao như Samsung cần được khuyến khích đầu tư

Khắc phục các hạn chế của FDI hiện nay là một đòi hỏi cấp bách để hướng tới một cộng đồng doanh nghiệp FDI cùng đồng hành phát triển bền vững, hiệu quả với nền kinh tế Việt Nam. Hướng tới mục tiêu đó, Chính phủ mới cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đang rất quyết tâm có nhiều cải cách để hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án FDI để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tìm giải pháp hỗ trợ; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Tuy bối cảnh quốc tế và khu vực còn một số vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố quốc tế… nhưng sự hợp tác giữa các nước để phát triển kinh tế, văn hóa vì hòa bình, ổn định vẫn đang là xu thế chủ đạo. Dòng vốn FDI quốc tế vẫn có khả năng tăng trưởng trong trung hạn, sẽ có tác động tích cực đến kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn tới. Dự báo FDI Việt Nam 2017 có khả năng đạt mức 25 tỷ USD về vốn FDI đăng ký và mức 15,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện.

*TS. Phan Hữu Thắng nguyên là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từng có nhiều năm tham gia công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về đầu tư nước ngoài (CFIS).

Tin mới lên