Tài chính

Thu thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm mạnh

Theo thống kê của Bộ Tài chính, những năm gần đây, thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), thu thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm mạnh.

Thu thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm mạnh

Giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Sẽ tiếp tục giảm đến khi thuế nhập khẩu về 0%

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 12 FTA, trong đó 2 hiệp định đã ký nhưng chưa có hiệu lực là Hiệp định ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA) và Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việt Nam đang áp dụng mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (mức thuế nhập khẩu MFN) cho tất cả các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, Việt Nam cam kết quy định mức thuế nhập khẩu trần (tối đa) là 40% đối với xăng.

Theo cam kết tại FTA trong nội khối ASEAN (ATIGA), từ năm 2012, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng là 20%, dầu diesel là 5%, dầu hỏa là 7%, nhiên liệu bay là 10%, dầu mazut là 0% (các mặt hàng dầu về 0% từ năm 2016, trừ dầu mazut).

Tại FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), từ năm 2016, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng là 10%, các mặt hàng dầu là 5% (hiện nay, các mặt hàng dầu đã về 0%). Mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu cam kết trong các hiệp định dần về 0%.

Bộ Tài chính đã thử làm “bài toán” để so sánh nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu qua các năm trên cơ sở: sản lượng thực tế nhập khẩu từ các thị trường các năm 2015, 2016 và 2017; giá tính thuế nhập khẩu xăng dầu lấy theo mức giá của tháng 3/2018; áp dụng mức thuế nhập khẩu MFN 40% so với áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo ATIGA 20% và VKFTA 10%.

Dựa trên 3 yếu tố đó để tính toán, số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu giảm từ 53.000 tỷ đồng năm 2015 xuống khoảng 13.400 tỷ đồng năm 2016 (giảm khoảng 39.600 tỷ đồng so với năm 2015); khoảng 14.100 tỷ đồng năm 2017 (giảm khoảng 38.900 tỷ đồng so với năm 2015, số thu năm 2017 tăng nhẹ so với năm 2016 là do sản lượng nhập khẩu tăng); và sẽ giảm xuống khoảng 10.300 tỷ đồng năm 2018 (giảm khoảng 42.700 tỷ đồng so với năm 2015). Số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu sẽ tiếp tục giảm cho đến khi thuế nhập khẩu giảm về 0% (theo ATIGA, mức thuế đối với mặt hàng xăng về 0% vào năm 2024).

IMF khuyến nghị sử dụng thuế nội địa thay thuế nhập khẩu

Trên thực tế, giá dầu thô trên thị trường thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức cung của các nhà sản xuất, sự thay đổi lượng cầu, chi phí đầu tư khai thác, sự biến động của đồng tiền thanh toán... nên thay đổi khó lường, bất thường. Giá dầu thế giới giảm sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế (làm giảm giá đầu vào của sản xuất, kinh doanh), từ đó tăng hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn.

Trước bối cảnh phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa thay bằng thuế nhập khẩu khi thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Tại dự án nghị quyết này, Chính phủ đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lên 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay).

Tin mới lên