Tiêu điểm

Thủ tướng: Bảo hộ tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân

(VNF) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm "bảo hộ tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân" tại cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Thủ tướng: Bảo hộ tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Sáng 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ đầu tiên bàn về tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 2 luật này có hiệu lực từ 1/7/2015 nhưng đã có một số vướng mắc so với các luật khác và có độ vênh giữa các luật với nhau.

Vì hai luật này liên quan rất lớn quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, Thủ tướng khẳng định tinh thần chung là ủng hộ, bảo hộ tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân, theo đó Chính phủ sẽ "cố gắng tháo gỡ cho được các vướng mắc của hai luật để đưa vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế".

Theo các chuyên gia, hai luật mới có quan hệ chặt chẽ với quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, các quy định về điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài… Hiện có tình trạng điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư trong hai luật và các luật khác chưa đồng bộ, thống nhất với nhau, đã gây khó khăn trong việc áp dụng.

Bên cạnh đó, việc rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn chậm, nguy cơ tạo ra "khoảng trống pháp lý" sau ngày 1/7/2016 là có thể xảy ra vì theo quy định của Luật Đầu tư, sau ngày 1/7/2016, các điều kiện kinh doanh do các Bộ, địa phương ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho hay đã thống nhất với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đó đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tập hợp, công bố đầy đủ điều kiện kinh doanh… để áp dụng.

Bên cạnh đó, kiến nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo ra sự liên thông giữa thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về "điều kiện đầu tư kinh doanh", đơn giản hoá và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; trình Chính phủ ban hành trong tháng 7/2016.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh; không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, gắn việc tổ chức triển khai thực hiện  Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.

"Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh, "Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao thì 2 luật này mới đi vào cuộc sống đúng thời gian, không để khoảng trống pháp lý".

Thủ tướng đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật trên theo quy trình rút gọn (dùng một nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1/7/2016, đồng thời giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.

 

Tin mới lên