Tài chính quốc tế

Thủ tướng Bhutan: 'Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội'

(VNF) - Trong một bài diễn thuyết hồi tháng 3/2016, Thủ tướng Bhutan - ông Tshering Tobgay đã chia sẻ về đất nước, con người và những chính sách ở quê hương ông, những điều đã giúp Bhutan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và được mệnh danh là "thiên đường hạ giới".

Thủ tướng Bhutan: 'Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội'

Ông Tshering Tobgay, đương kim Thủ tướng Bhutan trong bài phát biểu trên TED Talk. (Ảnh: Ted.com)

Là một quốc gia nhỏ bé ở dãy Himalaya, chỉ có hơn 700.000 dân, nằm kẹp giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Vương quốc Bhutan từ lâu đã được biết đến như quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và được coi là một trong những quốc gia "xanh" nhất hành tinh.

Ông Tshering Tobgay, sinh năm 1965, giữ chức Thủ tướng Bhutan từ năm 2013. Ông là nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhân dân. Ông Tobgay đã có bài diễn thuyết đầy ấn tượng bằng tiếng Anh ở Hội thảo TED Talk hồi tháng 3/2016 tại Vancouver (Cananda) trước cử tọa toàn là những đại gia và tất cả đều ngạc nhiên, thích thú. VietnamFinance xin giới thiệu tới quý độc giả bài phát biểu này của Thủ tướng Bhutan.

"Đất nước chúng tôi từng được gọi là "thiên đường hạ giới", thậm chí là "thiên đường hạ giới" cuối cùng. Nhưng chúng tôi không phải là "thiên đường hạ giới". Đất nước chúng tôi không phải một ngôi chùa lớn với những nhà sư vui vẻ.

Thực tế chúng tôi là một đất nước nhỏ kém phát triển, làm hết khả năng của mình để sống. Nhưng chúng tôi đang thịnh vượng. Và lý do chúng tôi thịnh vượng là vì chúng tôi may mắn có những vị vua tuyệt vời. Các vị vua của chúng tôi đã làm việc không quản mệt mỏi để phát triển đất nước một cách thận trọng, cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Tất cả đều nằm trong một khuôn khổ quản trị tốt. Chúng tôi gọi đó là phương pháp phát triển toàn diện.

Ngay từ những năm 1970, vị vua đáng kính thứ tư của Bhutan đã có tuyên bố nổi tiếng là "đối với Bhutan, chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP)". Và từ đó, tất cả sự phát triển ở Bhutan đều được GNH thúc đẩy, một tầm nhìn tiên phong nhằm gia tăng hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân chúng tôi.

Nhưng nói thì luôn dễ hơn làm, đặc biệt đối với nền kinh tế thuộc loại nhỏ nhất thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội của chúng tôi nhỏ hơn 2 tỷ USD và tôi biết một số quý vị ở đây còn giàu có hơn cả đất nước chúng tôi. Tuy nhỏ, nhưng tất cả công dân của chúng tôi đều được đảm bảo hoàn toàn miễn phí giáo dục phổ thông. Thậm chí, những công dân học hành chăm chỉ được đảm bảo miễn phí ở bậc đại học. Y tế của Bhutan cũng hoàn toàn miễn phí. Từ chi phí thăm khám, đến chi phí điều trị và tiền thuốc đều do nhà nước chi trả.

Ở Bhutan, y tế và giáo dục phổ thông là miễn phí. 

Chúng tôi làm được điều này vì chúng tôi sử dụng tài nguyên hạn chế của mình một cách cẩn thận và bởi vì chúng tôi trung thành với sứ mệnh chính của tổng hạnh phúc quốc gia (GNH). Phát triển kinh tế là quan trọng nhưng sự phát triển kinh tế không thể có được từ việc tổn hại nền văn hóa độc nhất của chúng tôi, hay tổn hại môi trường tự nhiên nguyên sơ của đất nước.

Hiện nay văn hóa của chúng tôi đang phát triển. Chúng tôi tiếp tục tán dương nghệ thuật và kiến trúc, thức ăn và các lễ hội, các nhà sư và tu viện và chúng tôi tán dương cả trang phục dân tộc. Đó là lý do tôi có thể mặc Gho (trang phục truyền thống của Bhutan) với niềm tự hào. Và nền văn hóa của chúng tôi đang hưng thịnh, cả môi trường cũng vậy.

72% đất nước của chúng tôi được rừng che phủ và tất cả cánh rừng đó là nguyên sinh. Đó là lý do chúng tôi là một trong số ít điểm đa dạng sinh học toàn cầu còn lại của thế giới. Hiến pháp của chúng tôi yêu cầu rằng, ít nhất 60% tổng diện tích đất Bhutan phải luôn được rừng che phủ.

Trong một thế giới bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, chúng tôi là nước không phát thải khí nhà kính. Trong 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, dường như chúng tôi là quốc gia duy nhất không phát thải khí nhà kính. Nhưng thực tế điều này không hoàn toàn chính xác. Bhutan là nước có khí phát thải nhà kính âm. Cả nước chúng tôi chỉ thải 2,2 triệu tấn khí thải CO2 nhưng rừng của chúng tôi hấp thụ nhiều hơn 3 lần số lượng trên. Rừng của chúng tôi thấp thụ hơn 4 triệu tấn CO2 mỗi năm nhưng đó chưa phải tất cả.

72% đất nước Bhutan đượcche phủ bởi rừng nguyên sinh.

Chúng tôi xuất khẩu phần lớn điện tái tạo. Ngày ngày, năng lượng sạch mà chúng tôi xuất khẩu giúp làm giảm khoảng 6 triệu tấn CO2 ở các nước láng giềng. Năng lượng xanh sạch mà chúng tôi xuất khẩu có thể giúp giảm khoảng 50 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn lượng CO2 toàn thành phố New York phát thải trong một năm.

Từ năm 2009, trong cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu COP15 ở Copenhagen, Đan Mạch, Bhutan đã cam kết họ sẽ "không bao giờ tăng" mức độ phát thải khí nhà kính. Nhưng thời điểm đó, không ai để ý, các chính phủ đang quá bận để cãi nhau và đổi lỗi cho nhau gây ra biến đổi khí hậu. Đến Hội thảo ở Paris vào tháng 12 năm ngoái, Bhutan tiếp tục nhắc lại cam kết này. Lần này, chúng tôi được lắng nghe, chúng tôi được ghi nhận và mọi người đều quan tâm. ​Một khi được quan tâm, Bhutan sẽ luôn tiếp tục là quốc gia không phát thải khí nhà kính và đây là những cách mà Bhutan thực hiện để giữ vững cam kết của mình.

Chúng tôi cung cấp miễn phí điện cho người dân nông thôn. Ý tưởng là khi có điện miễn phí họ sẽ không dùng củi để nấu nướng nữa. Chúng tôi đầu tư vào giao thông bền vững và trợ giá mua xe chạy bằng điện. Tương tự chúng tôi trợ gia mua đèn LED. Và chúng tôi đang cố gắng trở thành "Chính phủ không dùng giấy".

Chúng tôi làm sạch trên toàn quốc thông qua chương trình quốc gia "Làm sạch Bhutan". Và chúng tôi trồng cây trên toàn quốc thông qua chương trình quốc gia "Xanh hoa Bhutan". Những khu bảo tồn của chúng tôi, đó chính là trọng tâm chiến lược không phát thải. Các khu bảo tồn của chúng tôi chính là những bể chứa carbon. Chúng là những lá phổi của chúng tôi. 

Nhưng công việc đó tốn kém. Trong vài năm tới, nền kinh tế nhỏ bé của chúng tôi sẽ không còn đủ nguồn lực để chi cho bảo vệ môi trường. Thực tế, khi tính toán, chúng tôi thấy cần ít nhất 15 năm để có thể xây dựng đủ tài chính cho tất cả các nỗ lực bảo tồn. Nhưng cả Bhutan và thế giới không thể quay ngược lại 15 năm. Đó là lý do tại sao, vị vua đáng kính của chúng tôi bắt đầu chương trình "Bhutan vì cuộc sống". "Bhutan vì cuộc sống" cho chúng tôi thời gian cần thiết, cho chúng tôi khoảng thời gian để xoay sở. Đó là một cơ chế tài chính cần thiết để chăm sóc các công viên của chúng tôi cho đến khi chính phủ có thể tự chi trả hoàn toàn. 

Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ giấc mơ của mình. Liệu chúng ta có thể huy động sự lãnh đạo, nguồn lực, khả năng tác động và niềm đam mê của chúng ta để nhân rộng ý tưởng "Bhutan vì cuộc sống" ra các nước khác. Và liệu chúng ta có thiết lập chương trình "Trái đất vì cuộc sống"  - một quỹ toàn cầu để kích hoạt "Bhutan vì cuộc sống" trên toàn thế giới".

Ông Tobgay nhậm chức thủ tướng khi mới 48 tuổi, học ngành kỹ nghệ cơ khí nhưng tài hùng biện của ông Tobgay khi say sưa nói về hạnh phúc, hiến pháp, biến đổi khí hậu... khiến cả thế giới phải ngả mũ. Những phát ngôn của ông được coi như kim chỉ nam về ứng phó biến đổi khí hậu cho những quốc gia khác đồng thời là con đường hướng tới hạnh phúc mà quốc gia nhỏ bé này luôn theo đuổi.

Tin mới lên