Tài chính

Thủ tướng đồng ý cho VTV, SCIC thoái vốn khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới

(VNF) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam – chủ đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới.

Thủ tướng đồng ý cho VTV, SCIC thoái vốn khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới

Thủ tướng đồng ý cho VTV và SCIC thoái vốn khỏi dự án Tháp truyền hình Việt Nam

Thông báo do Văn phòng Chính phủ vừa phát đi cho biết ngày 27/10, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề nghị thoái vốn của VTV tại Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đồng ý cho VTV, SCIC thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.

VTV trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.

Dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới là "ước mơ của biết bao thế hệ làm việc tại VTV"

Trước đó, hồi tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 1001 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020.

Theo phương án này, SCIC được chủ động bán vốn tại 4 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 – 2020, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.

Đáng chú ý, trong một động thái diễn ra trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty trên.

Lý do rút lui của VTV là đơn vị đang cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Ngoài ra, dự án cũng chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Như vậy, với việc cả VTV và SCIC cùng rút, dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới đã chính thức đổ bể, khép lại "mơ ước của không biết bao nhiêu thế hệ những người làm việc tại VTV" trong suốt 2 năm qua.

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VTV và SCIC thành lập vào tháng 2/2015. Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký cùng năm với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Tập đoàn BRG là đối tác được chọn thêm để thực hiện dự án – với sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án tháp truyền hình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, sau khi hoàn thành sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới, "vượt mặt" tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản hiện cao 634m.

Kinh phí đầu tư của dự án theo đề xuất trình Chính phủ lên đến 1,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng phần khối tháp là 900 triệu USD. Theo VTV, khoản tiền này là từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV. Về phía SCIC, được lấy từ nguồn vốn kinh doanh theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP (từ quỹ đầu tư phát triển của SCIC); về phía BRG là từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ khi mới ra đời, siêu dự án này đã gây tranh cãi và có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng.

Tin mới lên