Tài chính quốc tế

Thủ tướng Lý Hiển Long: 'Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rất đáng lo ngại với ASEAN'

(VNF) - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bày tỏ mối quan ngại của mình về những xung đột thương mại gần đây trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các nước Đông Nam Á gồm 10 thành viên (ASEAN). Với nhiều quốc gia trong cộng đồng ASEAN, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu.

Thủ tướng Lý Hiển Long: 'Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rất đáng lo ngại với ASEAN'

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

"Những căng thẳng thương mại gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều rất đáng lo ngại", ông Lý Hiển Long phát biểu trước đại diện các quốc gia thành viên ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 của khối này, tổ chức vào thứ bảy (28/4) tại Singapore.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp đặt thuế quan lên 150 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Để trả đũa, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố sẽ làm điều tương tự đối với hàng hóa của Mỹ.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên quy tắc chung giữa các quốc gia đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, hệ thống đó đang chịu sức ép vì tâm lý chính trị ở nhiều nước đã chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, chống lại tự do thương mại.

Ông nhấn mạnh rằng các nước ASEAN sẽ phải phản ứng với những xu hướng bên ngoài này bằng cách tăng cường củng cố trung tâm ASEAN. Mười quốc gia ASEAN đầu tiên phải sắp xếp các lợi ích chính trị - kinh tế khác nhau của họ và nỗ lực để xây dựng một cộng đồng ASEAN chặt chẽ và hiệu quả.

"Một ASEAN lỏng lẻo hơn, nơi mỗi nước thành viên phải tự chống chọi, sẽ khiến cho ASEAN ít có ý nghĩa không chỉ với các thành viên của khối mà còn cả các đối tác và các cường quốc khác. Nếu đứng một mình, các nước thành viên ASEAN sẽ thấy khó có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Nhưng khi chúng ta cùng chung một tiếng nói, tiếng nói của chúng ta chắc chắn có hiệu quả", Thủ tướng Singapore nêu quan điểm.

Ông Lý cũng cho rằng cán cân chiến lược đang chuyển dịch, cả trên toàn cầu và trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng ASEAN cần phải thích nghi và hội nhập hơn nữa, nhằm duy trì một lực lượng trung tâm và động lực đủ để đối phó với những thách thức và cơ hội của thế kỷ 21.

"Các cường quốc mới, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, đang ngày càng gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng. Điều này đã mở ra những cơ hội mới cho các nước thành viên ASEAN khi chúng ta mở rộng hợp tác với các đối tác lớn này", ông nói.

"Nhưng điều đó cũng yêu cầu các quốc gia phải tinh tế và khéo léo trong ngoại giao để ASEAN có thể là bạn với tất cả các cường quốc, cả cũ và mới", ông nói thêm.

Cũng trong nằm trong các chủ đề của chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh là cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar. Tình hình ở bang Rakhine ở miền tây Myanmar, nơi hàng trăm ngàn người Hồi giáo thiểu số Rohingya đã chạy trốn đến Bangladesh sau một cuộc đàn áp quân sự, là một trong những thách thức lớn nhất đối với ASEAN ở thời điểm này.

Ngoài ra, khối cũng đang nghiên cứu, thảo luận các sáng kiến ​​để cùng nhau giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan và tấn công an ninh mạng, cũng như thúc đẩy thương mại và hệ thống thanh toán điện tử xuyên biên giới.

ASEAN cũng đang làm việc tích cực để đưa ra một hiệp ước dẫn độ mẫu nhằm giải quyết các vấn đề tội phạm ngoại quốc. Cùng lúc đó, khối sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Đây là một trong những điểm nóng chính trị nhất trên thế giới hiện nay, và cũng là một trong những tuyến giao thông thương mại nhộn nhịp nhất Đông Nam Á.

Tin mới lên