Tài chính

Thủ tướng: 'Phải tăng cường quản lý, đừng để 'sân trước, sân sau'

(VNF) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước tổ chức chiều 6/12 tại Hà Nội.

Thủ tướng: 'Phải tăng cường quản lý, đừng để 'sân trước, sân sau'

VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này để bạn đọc có thể nắm được những thông điệp quan trọng nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN của Việt Nam hiện nay:

"Sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất của năm 2017 của tất cả cán bộ, đảng viên, bởi vì chúng ta đã có nhiều chủ trương của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ nhưng chúng ta làm chưa được bao nhiêu, kể cả thoái vốn, kể cả cổ phần hóa và sắp xếp lại. Như con số trong báo cáo của Ban Đổi mới DNNN đã nêu, chúng ta mới thoái vốn 5 lĩnh vực, mới đạt 42%, tức là còn 58% chưa thoái vốn và chúng ta mới cổ phần hóa số vốn được 8%, tức là còn 92% là hoàn toàn vốn Nhà nước trong DNNN.

Số lượng DNNN có thể giảm đi nhưng tỉ lệ cổ phần hóa rất thấp. Tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nói về thành quả như đã nêu, ví dụ như giảm số lượng DN.

Chúng ta cũng thấy rất đáng mừng là  từ quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN thời gian qua, chúng ta đã có thể rút ra một số kinh nghiệm trong chỉ đạo, kinh nghiệm trong thể chế, nhiều năm mới rút được kinh nghiệm, những bài học các đồng chí ạ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, với 350 DN đã cổ phần hóa năm 2015, kết quả lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72 %, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập người lao động tăng 33%…

Rồi có những DN sau khi sắp xếp, tái cơ cấu lại, cổ phần hóa, phát triển rất tốt. Tôi nói ví dụ tái cơ cấu rất thành công như VNPT, Vinamilk, hay Vinatex.

Chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm, chúng ta cứ để mãi như vậy thì chúng ta không bao giờ cổ phần hóa, không bao giờ sắp xếp lại được DNNN. Tôi nói số liệu này để rút ra bài học kinh nghiệm là cần sắp xếp lại, cần phải cổ phần hóa DNNN đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị DN, môi trường lành mạnh minh bạch, công bằng và tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ.

Và điều đặc biệt hơn là công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu góp phần phòng chống tham nhũng vì có nhiều cổ đông cùng giám sát vốn. Cho nên, qua quá trình cổ phần hóa có thể rút ra nhiều kinh nghiệm, bài học tốt để tiếp tục làm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Điều nữa tôi muốn nói là nhiệm vụ chính trị là gì? Tài sản và vốn ở DNNN của chúng ta là hơn 5 triệu tỷ đồng Việt Nam, trong khi tỉ lệ nợ công còn cao, cần huy động vốn xã hội vào đầu tư. Chúng ta cần vốn để làm nhiều việc khác, nhất là làm những công trình hạ tầng quan trọng, giảm nợ công xuống thông qua huy động vốn xã hội.

Nguyên nhân vì sao có những sự chậm trễ như vậy? Có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan mà chúng ta đang nói là vướng mắc về thể chế, về cách làm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân chủ quan.

Thứ nhất, cái vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Thứ hai, đề án chúng ta xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm, rồi sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, rồi một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời.

Năng lực quản lý điều hành của cán bộ DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.

Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đánh giá đối với DNNN chưa có hiệu quả, còn hình thức, chưa minh bạch giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Anh có chi phí rất lớn, quản lý đất đai rất lớn, tư liệu sản xuất của Nhà nước rất lớn nhưng hiệu quả còn kém, chưa đánh giá hết được.

Một nguyên nhân nữa cũng thuộc về Nhà nước mà chúng ta thấy là mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.

Bây giờ, tôi nêu 3 yêu cầu lớn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như sau:

Thứ nhất, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN. Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra.

Thứ hai, khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn. Vốn Nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn.

Thứ ba, phải tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn. Cái gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn. Nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, điện lực, lương thực…

Để điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn. Tôi lấy ví dụ như thế. Những cái khác không phải cân đối quan trọng của kinh tế, xã hội thì tư nhân có thể làm, chúng ta hoan nghênh.

Trong giai đoạn 2016-2020, tôi nêu 3 nhóm nhiệm vụ sau để các đồng chí triển khai:

Thứ nhất là chuẩn bị cổ phần hóa, có mấy việc như sau: Phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra. Quan điểm chỉ đạo là, lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường, tức là lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên… thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối.

Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo tỉ lệ phù hợp hoặc 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Trên cơ sở các lĩnh vực này, phải xác định danh mục doanh nghiệp nào Nhà nước cần nắm giữ 100%, Nhà nước cần chi phối hay Nhà nước cần thoái vốn hoàn toàn.

Phải lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa. Giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình như trên trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa. Tôi xin nói lại bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là trong cổ phần hóa. Trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán.

Để thực hiện mục tiêu này, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này. Và các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty cần có cơ chế đột phá trong quy định thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý công nợ, phương thức chào bán theo hướng đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, kể cả thương hiệu.

Hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, kể cả việc thuê tư vấn quốc tế. Sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như đấu giá thông thường, hoặc bán cả lô vốn Nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán, quy định về định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn niêm yết. Ban hành quy định về bán toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao.

Như đồng chí Vương Đình Huệ và đại diện Bộ Công Thương có nêu, yêu cầu DNNN cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn 1 năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. Ý là phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm. Mù mờ là không được. Hôm nay hoan nghênh Bộ Công Thương là Sabeco đã lên sàn. Chúng ta để thất thoát tài sản Nhà nước là có lỗi với nhân dân, với đất nước.

Đi liền với đó, trong quá trình cổ phần hóa phải tăng cường kiểm tra thành tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn doanh nghiệp nhà nước. Có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất, quy định trách nhiệm thực hiện cam kết của cổ đông chiến lược. Một số đồng chí có nói nếu nắm giữ vốn Nhà nước dưới 49% thì bán luôn, nắm thì phải nắm cao.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là quản trị sau cổ phần hóa. Việc đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% hoặc giữ cổ phần chi phối, DNNN hoạt động không hiệu quả, không quản lý được vì phải thực hiện nhiều mục tiêu đan xem, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vì vậy cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để doanh nghiệp nhà nước hoạt động và hạch toán, tức không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.

Tôi xin nhấn mạnh một số ý về quản trị sau cổ phần hóa như sau:

Thứ nhất là xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả phù hợp trong mỗi nhóm DNNN thực hiện mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế.

Thứ hai là gắn cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà hệ thống đánh giá nói trên là căn cứ tham chiếu quan trọng.

Thứ ba là áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đặc biệt là kiểm soát rủi ro, tài chính, thiết lập hệ thống thông tin giám sát và quản lý doanh nghiệp; lập và công bố báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định; thực hiện nghiêm chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính. T

hứ tư là hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ nếu Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Thứ năm là thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết và xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường, tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm pháp luật.

Từng doanh nghiệp đều phải có chiến lược phát triển của doanh nghiệp, không để sau khi cổ phần hóa, sắp xếp, bị teo tóp. Nếu để teo tóp là thất bại.

Về tổ chức thực hiện, tôi đề nghị một số ý như sau:

Đầu tiên, tôi đồng ý với các đồng chí là đứng về mặt nhà nước, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, nhất là các nghị định, quyết định, các quy trình, thủ tục, các chế độ đối với người lao động để tháo gỡ rào cản, đẩy mạnh cổ phần hóa.

Phần này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN hoàn thiện gấp để trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành. Phải công bố với dư luận rằng không phải Chính phủ cổ phần hóa bằng mọi giá, không phải Nhà nước bán hết, để tư nhân chi phối.

Tóm lại, thể chế mà Chính phủ sắp ban hành sẽ tháo gỡ cho các đồng chí.

Tiếp theo, về đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những việc gì.

Tôi đề nghị các cấp, các ngành, 63 địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới DNNN, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm. Tôi đề nghị sau Chỉ thị của Thủ tướng thì các Bộ trưởng, các Chủ tịch UBND, các chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải có một chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động của DNNN cho phù hợp với các luật mới được ban hành (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) và yêu cầu thực tiễn đề ra.

Các cơ quan, cá nhân được giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và các DNNN phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và tái cơ cấu.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ hằng quý, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; đến các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.

Nhân đây, tôi nói với các đồng chí một lần nữa rằng đến nay, ta vẫn còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, chiếm giá trị từ 70-100% vốn Nhà nước. Chúng ta phải tăng cường quản lý tốt nhất, đừng để "sân trước, sân sau".

Để sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố đồng bộ trong nền kinh tế, đó là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, tăng trưởng kinh tế khởi sắc với tốc độ nhanh, môi trường đầu tư thuận lợi, môi trường cạnh tranh bình đẳng, niềm tin thị trường mạnh mẽ...

Những ý này thuộc về vĩ mô, Chính phủ xin ghi nhận và cố gắng làm hết sức mình để ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin thị trường tốt hơn. Nhân đây tôi cũng xin nói về tin đổi tiền là thất thiệt, có ý đồ xấu. Xã hội chúng ta cần lên án mạnh mẽ để ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi giao Bộ Công an cũng như một số đơn vị chức năng điều tra, tìm ra thủ phạm, những kẻ phao tin đồn nhảm, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh tế vĩ mô của nước ta.

Kết thúc hội nghị hôm nay, tôi mong rằng các đồng chí sẽ nhận thức đầy đủ nội dung quan trọng này để sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tốt hơn, theo đúng lộ trình đã được duyệt".

Tin mới lên