Tiêu điểm

Thủ tướng thăm Mỹ, kỳ vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư

(VNF) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên đường sang Mỹ, thực hiện chuyến thăm từ ngày 29-31/5, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thủ tướng thăm Mỹ, kỳ vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là chuyến thăm chính thức tới Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với Tổng thống Donald Trump kể từ khi hai nước có ban lãnh đạo mới.

Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Mỹ và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Trump phát huy những kết quả đạt được và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua đã đạt được những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (tháng 7/2013) trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và con đường phát triển của nhau.

Xét riêng trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam xuất siêu 30,9 tỷ USD. Mỹ tuy nhập siêu nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam tăng nhanh ở mức 77%, gấp 4 lần tốc độ tăng của Việt Nam, và xuất siêu về dịch vụ.

Về đầu tư, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 815 dự án, tổng số vốn đăng ký 10,07 tỷ USD. Mỹ xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án, tổng số vốn đăng ký 571,38 triệu USD.

Bình luận về khía cạnh kinh tế trong quan hệ hai nước nhân sự kiện này, TS Trần Du Lịch cho rằng Việt Nam cần tăng thu hút đầu tư FDI từ Mỹ vì nếu có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đầu tư vào Việt Nam, sẽ tạo ra những "con sếu đầu đàn" lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ khác đi theo. Quan trọng hơn, họ sẽ góp phần định hình chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện trong số 500 công ty lớn hàng đầu của Mỹ về công nghiệp, năng lượng, hạ tầng, số đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, chưa có tập đoàn lớn nào coi Việt Nam là "cứ điểm". Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa coi Việt Nam là nơi có môi trường thật sự hấp dẫn.

Do đó, cần khẳng định với các đối tác Mỹ rằng môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, Việt Nam minh bạch cơ chế và nhất là không có yếu tố tiêu cực, để cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tin rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ an toàn nhất cho họ.

Vẫn theo TS Trần Du Lịch, sau gần 20 năm khi ký hiệp định thương mại song phương, buôn bán giữa hai nước tăng trưởng rất nhanh và đến nay vẫn chưa có dấu hiện giảm tốc. Lý do là bởi Việt Nam không đi vào phân khúc cao cấp, cũng không phải là hàng giá rẻ loại 1 USD mà đi vào phân khúc trung bình. Phân khúc đó, ở thị trường Mỹ là mênh mông, dư địa cho hàng Việt vẫn còn rất lớn.

"Nếu chuyến đi của Thủ tướng giải tỏa được tâm lý cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo được niềm tin cho giới đầu tư Mỹ thì quan hệ kinh tế giữa hai nước theo tôi sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, sẽ giải tỏa được những lo ngại cho rằng, nếu không có TPP, thương mại hai nước sẽ không phát triển được", TS Trần Du Lịch cho biết.

Tin mới lên