Tiêu điểm

Thủ tướng: ‘Việt Nam không mong là người giỏi nhất mà là bạn của những người giỏi nhất’

(VNF) - “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam hôm 13/9.

Thủ tướng: ‘Việt Nam không mong là người giỏi nhất mà là bạn của những người giỏi nhất’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại WEF về Asean

Đây là hoạt động bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN. Chủ đề của Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần này là “Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Mở đầu bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn thừa nhận những mặt hạn chế của kinh tế Việt Nam, “thay vì kể ra những thành quả đạt được mà hẳn là các bạn đã biết, tôi xin bắt đầu với một số thực trạng mà chúng tôi cho là chưa được như kỳ vọng”.

Thủ tướng cho rằng “đến nay Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng xét về độ sâu thì chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm”.

Theo các thống kê, hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn: “Nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp rắp, đóng góp sản phẩm. Đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ doanh nghiệp FDI khác hoặc nhập khẩu”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh, Thủ tướng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Người đứng đầu chính phủ cam kết nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong toàn bộ tiến trình cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động, theo đuổi các giá trị và tầm nhìn dài hạn.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

“Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn luôn được duy trì trong top những quốc gia có tốc độ cao trên thế giới.

Thủ tướng đưa ra những số liệu thống kê và kết quả xếp hạng về Việt Nam do các tổ chức quốc tế thực hiện làm minh chứng: “Năm 2017 Việt Nam đạt tăng trưởng 6,81%, riêng sáu tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 7,08%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua ở Việt Nam kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008”.

“Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của WEF đối với Việt Nam ở vị trí 55/137 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh (DB/WB) thứ 68/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Tổ chức sở hữu trí tuệ LHQ (WIPO) đứng thứ 45/127 nước”.

“Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP”.

Hiện nay có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia, đối tác. Trong đó có sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu quốc tế ở Việt Nam như Samsung, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Intel, Nike... đó là những chỉ dấu tích cực về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam;

Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế. Nhiều tập đoàn trong số đó là thành viên của WEF, như Viettel, FPT, VinGroup, VNPT, Vietcombank, BRG, T&T, Hòa Phát, Sovico, Thaco, Đất Việt...

Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Chúng tôi có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn; khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế”.

Theo Thủ tướng, nhiều nông sản của Việt Nam đang giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…

“Với mỏ vàng nông nghiệp tiềm năng còn chưa được khai thác hết, đây sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn mà Việt Nam trong đợi”, Thủ tướng nói.

Tin mới lên