Bất động sản

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thận trọng trong quy hoạch ga Hà Nội

(VNF) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thận trọng trong quy hoạch ga Hà Nội

Ga Hà Nội

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội cần thận trọng trong công tác quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, phải bảo đảm phát triển bền vững.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, thành phố Hà Nội đã gửi văn bản số 4417/UBND-ĐT xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.

Đồ án lập quy hoạch khu vực ga Hà Nội trên nền diên tích 98,1ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người. Thành phố đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40 - 70 tầng. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 23.800 tỉ đồng, trong đó Thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỉ đồng.

Sau khi bản Đồ án được công bố, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại đối với đề xuất này của thành phố Hà Nội. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội, phân tích: theo "Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử", khu vực ga Hà Nội chỉ được xây dựng tối đa 18 tầng, tương đương 65m. Riêng phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) chỉ được xây dựng tối đa 9 tầng, tương đương 32m với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội. Do đó, thành phố phải tôn trọng những điều đã đặt ra trong quy chế.

Ông Phạm Sĩ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại việc xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng sẽ càng làm tình trạng tắc nghẽn tại khu vực ga Hà Nội trở nên nghiêm trọng hơn.

"Rất nhiều khu vực bất động sản của Hà Nội đang phát triển sôi động như Mỹ Đình, Tây Hồ Tây, Đại Lộ Nhật Tân – Nội Bài... tại sao thành phố không đưa nhà cao tầng vào đó mà xây dựng. Với các nhà đầu tư, ai cũng muốn vào khu vực ga Hà Nội vì xây nhà ở đây không phải đầu tư nhiều vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉ bán nhà là thu tiền. Do đó, đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội là lợi ích nhóm chứ không phải vì sự phát triển chung của Thủ đô", ông Liêm nói.

Tại cuộc họp báo quý III, tổ chức hôm nay (28/9), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, nhận định: "Việc quy hoạch, xây dựng công trình cao tầng ở ga Hà Nội phải dựa trên tổng thể cảnh quan đô thị của khu vực, mật độ giao thông và dự báo về năng lực thông qua đối với tàu cao tốc trong tương lai".

Về việc xây dựng nhà cao tầng trong lõi ga Hà Nội hiện tại, ông Đông cho biết, khi xem xét trong văn bản Thành phố Hà Nội gửi xin ý kiến quy hoạch, không thấy nêu việc này.

"Tôi xem qua đồ án quy hoạch không nói đến việc làm nhà cao tầng trong lõi ga, không có phần đánh giá tác động của nhà cao tầng đến lõi ga. Nhưng theo quyết định của Chính phủ khi làm đường sắt đô thị số 1, yêu cầu đề ra là phải khai thác xã hội hoá ga Hà Nội nhằm tăng nguồn thu và làm văn phòng thương mại chứ không phải nhà ở" - ông Đông khẳng định.

Trả lời cho câu hỏi đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc bộ phận kinh doanh CBRE Việt Nam, nói:

"Tôi ủng hộ việc thay đổi quy hoạch mới, nếu nó làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn, tuy nhiên, nó phải thỏa mãn được các yếu tố khác, nhất là về giao thông. Khu vực ga Hà Nội thực sự là một vị trí đắc địa để xây dựng nhà ở vì quận Hoàn Kiếm hiện nay rất hiếm chung cư. Tuy nhiên, sự thay đổi tại khu vực này (nếu đồ án được phê duyệt và thực thi) sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến thị trường bất động sản, về giá bán, về nhu cầu, về nguồn thu và ảnh hưởng trực tiếp đến các phân khúc khác của thị trường".

Tin mới lên