Tài chính quốc tế

Thực tập sinh Việt Nam được trả 430.000 đồng/ngày để dọn phóng xạ ở Nhật

(VNF) – Một thanh niên Việt Nam ký hợp đồng sang Nhật làm kỹ sư nhưng bị lừa tham gia khử nhiễm phóng xạ ở tỉnh Fukushima, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa hạt nhân năm 2011, Kyodonews đưa tin ngày 15/3.

Thực tập sinh Việt Nam được trả 430.000 đồng/ngày để dọn phóng xạ ở Nhật

Từ năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tỉnh Fukushima khử chất thải phóng xạ từ nhà máy này.

Người thanh niên 24 tuổi này đã tới Nhật Bản vào tháng 9/2015 theo chương trình tu nghiệp sinh của chính phủ. Căn cứ theo hợp đồng với một công ty xây dựng ở Morioka, tỉnh Iwate, anh sẽ tham gia vào các công việc liên quan đến "máy móc xây dựng, tháo dỡ và kỹ thuật dân dụng".

Nhà tuyển dụng đã gửi anh đến thành phố Koriyama ở tỉnh Fukushima hơn 10 lần để dọn rửa các khu vực dân cư từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016.

Sau đó, anh còn tham gia vào việc tháo dỡ một khu vực cách ly ở thị trấn Kawamata, Fukushima từ tháng 9 đến tháng 12/2016, trước khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh phong tỏa do mức độ phóng xạ ở đó quá cao.

Ước tính lượng nước phóng xạ ở Fukushima vẫn đang tăng lên với khối lượng khoảng 150 tấn mỗi ngày.

Người lao động giấu tên này cảm thấy nghi ngờ về công việc sau khi nhìn thấy một người đo mức bức xạ tại các địa điểm nơi làm việc. Anh ta đã liên lạc với Zoeitsu Workers Union, một tổ chức giúp đỡ người nước ngoài ở Nhật Bản và phát hiện ra mình đang làm việc tại những khu vực nhiễm xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Anh cáo buộc rằng mình đã không được báo trước về về việc phải dọn rửa khu vực nhiễm xạ và cho rằng mình đã bị lừa.

Nguời này khẳng định anh sẽ không bao giờ tới Nhật nếu biết trước sẽ làm việc ở gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011.

Theo ông Shiro Sasaki, tổng thư ký liên đoàn Zentoisu, nhà tuyển dụng Nhật đã vi phạm Đạo luật Hợp đồng lao động, Đạo luật Tiêu chuẩn lao động và Đạo luật An toàn công nghiệp và sức khỏe.

Theo ông, đây là trường hợp đầu tiên được biết đến sự tham gia của thực tập sinh nước ngoài trong công việc khử nhiễm.

Thực tập sinh Việt Nam chỉ nhận được 2.000 Yên (khoảng 430.000 đồng) một ngày cho công việc khử trùng, trong khi theo quy định của Bộ Môi trường Nhật, công việc này phải nhận được 6.600 Yên.

Hiện công đoàn này đang sắp xếp để người lao động Việt Nam và công ty xây dựng trên thương lượng. Họ muốn người lao động này được bồi thường số tiền mà anh ta có thể đã được nhận nếu thực hiện hết hợp đồng 3 năm. Nngười thực tập sinh này đã nghỉ việc từ tháng 11/2017 do lo ngại về sức khỏe.

Thành phố Fukushima trở thành khu vực "cấm địa" sau thảm họa phóng xạ.

Công ty xây dựng nói trên đã bác bỏ cáo buộc, cho rằng nam sinh viên này được giao công việc giống tất cả các đồng nghiệp Nhật Bản khác và công việc đó không có chút nguy hiểm nào tới sức khỏe.

Nhật Bản đã giới thiệu chương trình đào tạo cho lao động nước ngoài vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Nhưng có nhiều lời chỉ trích rằng chương trình này bị lợi dụng để bù đắp tình trạng thiếu lao động phổ thông ở Nhật và thuê nhân công với mức lương rẻ.

Một quan chức Bộ Tư pháp Nhật cho biết đang kiểm tra các thông tin có được, và nếu chứng minh được nhà tuyển dụng Nhật vi phạm luật lao động, họ sẽ cân nhắc hình thức phạt.

Căn cứ Điều 1 tại Nghị định số 126/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khu vực, ngành nghề và công việc bị cấm đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:

1. Khu vực có chiến sự hoặc có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

2. Khu vực mà nước tiếp nhận lao động cấm người lao động nước ngoài đến làm việc.

3. Những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam; công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam thuộc Danh mục cấm quy định kèm theo Nghị định này.

Theo đó, khu vực nhiễm phóng xạ của tỉnh Fukushima thuộc danh mục các địa điểm bị cấm đưa lao động đi làm việc trong nghị định này.

Ngày 11/3/2011, trận động đất 9 độ Richter và sau đó là các đợt sóng thần cao 10m đã tàn phá một vùng rộng lớn đông bắc Nhật Bản, cướp sinh mạng của hơn 16.000 người và hàng nghìn người khác vẫn mất tích.

Động đất và sóng thần đã làm hỏng hệ thống làm lạnh tại 4 lò phản ứng của nhà máy Fukushima I, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử Nhật Bản.

Vào ngày 22/4/2011, toàn bộ người dân trong bán kính 20km tính từ nhà máy điện nguyên tử Daiichi đã buộc phải di tản vì thảm họa phóng xạ, còn thành phố Fukushima trở thành "cấm địa" với tấm biển: đặc biệt nguy hiểm.

Từ năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tỉnh Fukushima khử chất thải phóng xạ từ nhà máy này tại địa điểm nêu trên và yêu cầu này sau đó 2 năm đã được chính quyền tỉnh Fukushima chấp nhận.

Để giảm bớt những quan ngại của người dân địa phương, Chính phủ Nhật Bản đã quốc hữu hóa và cho gia cố khu vực khử chất thải phóng xạ để tránh tình trạng nước mưa ngấm vào bên trong khu vực này.

>> Nữ sinh đòi trường đại học bồi thường hơn 2,3 tỷ vì... thất nghiệp

Tin mới lên