Tin tức

Thủy điện Mê Công: "Quả bom lơ lửng" trên ĐBSCL

(VNF) - Nằm ở hạ nguồn sông Mê Công, Việt Nam được cho là chịu thiệt hại nhiều nhất từ hàng loạt dự án thủy điện trên lưu vực con sông này.

Thủy điện Mê Công: "Quả bom lơ lửng" trên ĐBSCL

Đây là nhận định của các chuyên gia và diễn giả tại Tọa đàm "Viễn cảnh Mê Công: Thay đổi và kỳ vọng" do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Henry L. Stimson phối hợp tổ chức vào sáng ngày 29/10 tại Hà Nội.

Tọa đàm "Viễn cảnh Mê Công: Thay đổi và kỳ vọng"

 

Hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công trong những năm vừa qua của các quốc gia thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện đã và đang gây nhiều lo ngại, đặc biệt đối với các quốc gia cuối nguồn, trong đó có Việt Nam.

Sông Mê Công hiện là môi trường sinh sống của hơn 60 triệu người dân thuộc hơn 6 nước. Phần lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực sông Mê Công chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và đóng góp 11% tổng lượng nước sông.

Phần lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực Mê Công gồm có thượng nguồn Nậm Rốm (Điện Biên), thượng nguồn sông Sê Kông và Sê Bang Hiêng (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và gần như toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

"Tổng lượng dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830- 850 tỷ m3/năm, trong đó Mê Công đóng góp 475 tỷ m3 (chiếm 53-57% tổng lượng dòng chảy toàn lãnh thổ)", Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam cho biết.

Có thể thấy Mê Công đóng vai trò quan trọng không chỉ với ĐBSCL mà còn đối với phát triển của nhiều vùng khác như Tây Nguyên và những vùng lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực sông Mê Công.

Tuy nhiên, thực trạng cho thấy hạ lưu sông Mê Công đang trở nên bất ổn hơn lúc nào hết kể từ khi các công trình đập thủy điện như Xayaburi của Lào đựợc khởi công năm 2012. Đây là con đập đầu tiên trong chuỗi 12 dự án đập thủy điện dự kiến triển khai tại Lào và Campuchia.

Tiếp theo Xayaburi, các công trình thủy điện Đon Sahong và Pak Bêng, cũng như những dự án dòng chính khác là các nhân tố có thể tạo ra nhiều thay đổi về xã hội, kinh tế, địa chính trị và hợp tác phát triển trong khu vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, kế hoạch phát triển thủy điện của Trung Quốc tại sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mê Công đã được chính phủ nước này thông qua cũng gây lo ngại cho các quốc gia ở hạ lưu.

Các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên, Việt Nam, với 63% lượng nước phụ thuộc vào các con sông quốc tế, là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các tác động của việc khai tác các dự án thủy điện từ các nước láng giềng.

Ông Nguyễn Hồng Toàn, cố vấn quốc gia trong xây dựng Chiến lược phát triển lưu vực cũng chỉ ra những tổn thất mà ĐBSCL đang gặp phải các vấn đề như nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đất chua phèn, suy giảm lượng phù sa, hạn hán, thiếu nước mùa khô, ô nhiễm, xói lở bờ và chịu các tác động xuyên biên giới.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra những bất cập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đon Sahong.

Cụ thể, tiến sỹ Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia về quản lý lưu vực sông cho biết, các dự án phát triển thủy điện của Lào, đặc biệt là dự án thủy điện Đon Sahong trên dòng chính của Mê Công, thuộc khu vực phía nam Lào, cách biên giới Lào - Campuchia vài km, có thể gây những tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái sông Mê Công.

Ông nhấn mạnh, khả năng xảy ra nguy cơ phá vỡ hành lang di cư của các loài cá, đặc biệt cản trở sự di chuyển của cá lên thượng nguồn vào mùa kiệt. Ông Quảng nhận định lượng cá ở ĐBSCL có thể bị giảm 50% trong vài năm tới.

Ông Jake Bruner, điều phối viên chương trình Mê Công thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN cũng cho biết, việc chính phủ Lào lên kế hoạch xây dựng đập Đon Sahong, nhiều chuyên gia cho rằng con đập có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nguồn di cư của cá vì con đập sẽ chặn đường di cư của cá vào mùa khô.

Ông Jake cũng cho biết thêm, năm 2013, chính phủ Campuchia đã cảnh báo nếu toàn bộ 11 con đập trên dòng chính sông Mê Công được xây dựng, sản lượng cá tính theo đầu người đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 50%.

Còn đối với Việt Nam, giảm sản lượng cá đe dọa đến ngành xuất khẩu cá da trơn giá trị tỷ đô do loài cá này phụ thuộc vào nguồn thức ăn là cá trắng di cư.

Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao cũng nhận định: "Các nước muốn phát triển nông nghiệp bền vững đều phải tích nước. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện, tích nước với quy mô như của Trung Quốc ở thượng nguồn và các đập ở hạ nguồn có thể sẽ trở thành thạm họa".

"Nó không phải chỉ là vấn đề môi trường, nông nghiệp mà có thể là "quả bom treo lơ lửng" trên đầu chúng ta. Đó còn là vấn đề an ninh, sống còn trong tương lại. Dó đó, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, chất lượng nguồn nước suy giảm là rất lớn", TS Thái cảnh báo.

Tin mới lên