Tiêu điểm

ADB: Việt Nam khó thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030

(VNF) – Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam có mức tăng trưởng ổn định, tuy nhiên vẫn còn dưới mức cần thiết để trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

ADB: Việt Nam khó thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định trong các năm qua

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Theo báo cáo của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 đã giảm xuống 6,2% (so với 6,7% của năm 2015). Mặc dù đã có sự cải thiện, song tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã giảm từ 2,4% (năm 2015) xuống còn 1,4% (năm 2016). Ngành trồng trọt có kết quả kém nhất khi chỉ tăng trưởng có 0,7%. 

Dù đạt được mức tăng trưởng 7,6%, tuy nhiên, nếu so với năm 2015, ngành công nghiệp xây dựng đã cho thấy bước lùi khi giảm 2 điểm phần trăm. 

Tỉ lệ lạm phát năm 2016 cũng cao hơn so với  mức 0,6% năm 2015, đạt mức trung bình 2,7%,. Trong hai tháng đầu năm 2017, lạm phát tiếp tục tăng, làm cho tỉ lệ lạm phát tính theo năm so với cùng kỳ năm trước lên đến 5%. 

ADB: Việt Nam khó thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 ảnh 1

Bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong năm 2016

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng khi ngành dịch vụ đạt thành tích tốt, tăng trưởng đến 7,0% so với mức 6,3% năm 2015. Ngành ngân hàng và tài chính cũng đạt kết quả khả quan, tăng trưởng đạt 7,8%. Đầu tư tăng trưởng 9,7% trong năm 2016, cao hơn so với mức 9,0% của năm 2015.

Và mặc dù có nhiều biến động trên thị trường tài chính quốc tế, song giá trị của tiền đồng Việt Nam vẫn khá ổn định, mất giá chỉ khoảng 1% so với USD trong cả năm. 

Thặng dư tài khoản vãng lai tăng ước đạt tương đương 3,3% GDP trong năm 2016, cao hơn so với 0,5% của năm 2015, nhờ xuất siêu lớn khoảng 14 tỷ USD, tương đương 6,9% GDP.

Xuất khẩu hàng hoá ước tính tăng 8,5%, trong khi nhập khẩu giảm mạnh vào khoảng 4,6%. Thặng dư tài khoản vốn ước đạt khoảng 3,4% GDP nhờ giải ngân mạnh nguồn vốn FDI. Tổng cán cân thanh toán đạt thặng dư 4,2% GDP. Cán cân thanh toán được cải thiện cho phép ngân hàng trung ương củng cố dự trữ ngoại hối, ước đạt 2,7 tháng nhập khẩu, so với 2,3 tháng vào giai đoạn đầu năm 2016. 

Việt Nam khó thành nước thu nhập trung bình cao

Mặc dù đã nỗ lực kiểm soát bội chi ngân sách nhưng ADB đánh giá Việt Nam vẫn chỉ đạt kết quả khiêm tốn. 

Cụ thể, thu ngân sách đã tăng 12% và đạt tương đương 23,1% GDP song vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng chi, dẫn đến thâm hụt trên ngân sách tương đương 4,4% GDP, cao hơn đáng kể so với mức 4.0% năm 2015.

"Đây là điều đáng quan ngại, đặc biệt khi nợ công (trong đó có nợ chính phủ bảo lãnh) hiện nay ước tính đã vượt 63% GDP, đến sát với trần nợ công mà Quốc hội quy định là 65%", báo cáo nhận định.

Tiến bộ trong công cuộc cải cách khu vực tài chính khá khó nắm bắt. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được báo cáo chính thức trong năm 2015 và 2016 vẫn giữ ở mức thấp, khoảng 2,5% tổng dư nợ, song điều này chủ yếu là do 12,7 tỷ USD nợ xấu đã được chuyển từ các ngân hàng thương mại sang cho Công tư Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Đến cuối năm 2016, công ty này mới chỉ xử lý được 18% số nợ xấu mua về từ các ngân hàng.  

"Như vậy, tiến bộ thực sự của việc kiểm soát nợ xấu sẽ phụ thuộc vào tốc độ cũng như chi phí VAMC trong việc xử lý các tài sản xấu. Hơn nữa, tiến độ củng cố hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục suy giảm, trong năm 2016 không có trường hợp sáp nhập hay mua lại nào được hoàn tất", ADB đánh giá.

ADB: Việt Nam khó thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 ảnh 2

Nếu đẩy mạnh tăng trưởng thêm 2 điểm phần trăm, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2026

Trong năm 2017, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% và đạt 6,7% trong năm 2018. Lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng đến 4% trong năm nay và 5% trong năm 2018. Mức tăng trưởng cao và lạm phát tăng sẽ làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm trong vòng 2 năm tới nhưng kim ngạch nhập khẩu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn, vì các luồng vốn đầu tư FDI lớn hơn sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào cho sản xuất. Do vậy, mức thặng dư tài khoản vãng lai hiện nay được dự báo sẽ giảm xuống còn 2% GDP trong năm nay và 2,5% GDP trong năm 2018.

Theo ADB, áp lực nợ công sẽ buộc chính phủ phải đặt ra các chỉ tiêu tham vọng về bội chi ngân sách, kiềm chế mức thâm hụt tương đương 3,5% GDP trong năm 2017 và giữ ở mức 4,0% trong năm 2018. 

Thâm hụt ngân sách sẽ được cắt giảm chủ yếu nhờ vào nguồn thu tăng lên từ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng nếu không tính nguồn thu này, kết quả cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ khiêm tốn hơn nhiều. 

Về phía chi ngân sách, chính phủ dự kiến sẽ cắt giảm 6% chi thường xuyên đồng thời tăng chi đầu tư lên 36%. Những mục tiêu củng cố tài khoá trong trung hạn là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi phải tiến hành cải cách thuế sâu rộng hơn, quản lý thu ngân sách tốt hơn và chi tiêu công hiệu quả hơn.

Khả năng bị tổn thương trong khu vực tài chính là một rủi ro đối với những triển vọng nói trên. Tiến độ tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu chậm hơn mong đợi, làm cho các ngân hàng đứng trước các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn lớn. 

Khi ngân hàng trung ương đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 là 18% thì việc tăng trưởng hoạt động cho vay trong nước nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi sẽ là đặt ra thách thức trong việc duy trì đủ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. 

Tỷ lệ đủ vốn (CAR) được báo cáo ước đạt 12,8% tại thời điểm cuối năm 2016, cao hơn khá đáng kể so với mức tối thiểu 9% do ngân hàng trung ương quy định, song lại không được tính theo chuẩn mực quốc tế Basel II. 

Theo kế hoạch của chính phủ, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn vốn theo Basel II vào năm 2020, đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng sẽ cần phải được bơm thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việc này đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được cải thiện đáng kể, bao gồm việc nâng trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng. 

Một nguy cơ khác đối với triển vọng này là khả năng cầu thế giới đột ngột yếu đi. Tốc độ tăng trưởng sút giảm của nền kinh tế Trung Quốc – một bạn hàng lớn của Việt Nam – sẽ làm suy yếu vị thế thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, nếu tình hình tài chính toàn cầu có biến động xấu cũng sẽ có ảnh hưởng lan toả đến thị trường trong nước, ngay cả khi thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mở cửa.

ADB nhận định, mức tăng trưởng của Việt Nam ổn định, tuy nhiên, vẫn dưới mức cần thiết để đạt được vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

"Với mức tăng trưởng hiện tại, Việt Nam chỉ đạt được mục tiêu là nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2031. Nếu đạt được mức tăng trưởng thêm 2% sẽ rút ngắn khoảng thời gian này vào năm 2026", báo cáo nhận định.

Tin mới lên