Tiêu điểm

Bà Phạm Chi Lan: Tăng trưởng thấp, không thể đổ lỗi cho nông nghiệp, khai khoáng

(VNF) - Từng là "bà đỡ" cho nền kinh tế nhưng trong năm 2016, ngành nông nghiệp đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng, kéo theo sự suy giảm tăng trưởng chung.

Bà Phạm Chi Lan: Tăng trưởng thấp, không thể đổ lỗi cho nông nghiệp, khai khoáng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định không thể đổ lỗi cho nông nghiệp, khai khoáng vì cả hai ngành này đều chạm đến điểm nghẽn của mình

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cho rằng mức tăng trưởng thấp trong năm 2016 không phải là lỗi của nông nghiệp bởi ngành này đã hết ngưỡng tăng trưởng và chạm đến điểm nghẽn của mình.

Nông nghiệp đăng bị bỏ quên

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong năm 2016, khu vực nông nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng 0,72% và đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP cả nước.

Trong khi đó, tăng trưởng lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước khiến cả khu vực nông lâm ngư nghiệp chỉ đạt mức tăng 1,36%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Sự suy giảm của khu vực nông nghiệp được xem là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng chung trong năm 2016 chỉ đạt 6,21% (thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,3 – 6,5%).

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cho rằng chúng ta không thể đổ lỗi tăng trưởng thấp cho ngành nông nghiệp bởi trên thực tế ngành này đã đến điểm nghẽn của nó. "Nếu không thay đổi, không cải cách thì không có cách nào khác để nông nghiệp đóng góp cho tăng trưởng chung, ngược lại sẽ chỉ đóng góp thêm các vấn đề cho nền kinh tế".

Bà Phạm Chi Lan: Tăng trưởng thấp, không thể đổ lỗi cho nông nghiệp, khai khoáng ảnh 1

Khô hạn, xâm nhập mặn đã đánh một đòn nặng nề vào sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016

Theo phân tích của bà Phạm Chi Lan, nông nghiệp Việt Nam hiện nay, ngoài chịu tác động của biến đổi khí hậu còn phải đối mặt với việc bị công nghiệp – xây dựng, quá trình đô thị hóa tước đoạt nguồn lực phát triển.

"Nhiều năm qua, chúng ta đổ dồn nguồn lực vào các lĩnh vực khác mà bỏ quên nông nghiệp. Tất cả chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp liên tục sụt giảm.

"Nhà nước lúc nào cũng than thở vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước không đầu tư vào nông nghiệp nhưng lại không nhận thấy chính đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp cũng sụt giảm rất nhiều, kể từ sau khi gia nhập WTO.

"Nếu trước đó, đầu tư vào nông nghiệp chiếm 13,8% thì bây giờ chỉ còn có 6%. Kết quả là nông nghiệp đang hứng chịu nhiều hậu quả tệ hại. Bỏ quên nông nghiệp là bỏ quên 65% dấn số Việt Nam", bà Lan nhận định.

Theo bà Lan, dòng tiền của Nhà nước đã đổ rất nhiều vào chương trình nông thôn mới nhưng thực tế, chương trình này lại chưa phục vụ cho phát triển nông nghiệp mà chỉ giải quyết được bộ mặt bên ngoài. Hệ lụy là số nợ của các địa phương tăng lên nhanh chóng.

Không giải quyết được vấn đề gốc rễ, nông nghiệp lại còn chịu thêm sức ép rất lớn trong hội nhập. Sức ép tăng lên nhưng biện pháp lại không có thế nên bức tranh nông nghiệp năm qua trở nên vô cùng ảm đạm.

"Phải có những thay đổi mang tính chất đột phá. Cái đột phá này không chỉ nằm trong khuôn khổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà phải là vấn đề của toàn nền kinh tế từ đầu tư công, cân đối giữa các lĩnh vực,cho đến các gói cứu trợ…

"Nông nghiệp đến lúc thực sự phải cải cách kể cả về mặt quan điểm tăng trưởng kinh tế lẫn các vấn đề thể chế về đất đai, chính sách khoa học công nghệ, đào tạo ở nông thôn", bà Lan nhấn mạnh.

Khai khoáng đến ngưỡng cũng là lúc tài nguyên cạn kiệt

Bức tranh ngành khai khoáng năm 2016 cũng không tỏ ra sáng sủa hơn so với nông nghiệp. Báo cáo của VEPR đưa ra con số, ước tính năm 2016 ngành khai khoáng suy giảm tới 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế.

Những vấn đề nổi bật của ngành khai khoáng năm qua là sự sụt giảm giá dầu, giá khoáng sản trên thị trường thế giới, tồn kho than tăng cao và mức nhập than rất lớn.

Bà Phạm Chi Lan: Tăng trưởng thấp, không thể đổ lỗi cho nông nghiệp, khai khoáng ảnh 2

Sự sụt giảm về giá bán (dầu thô, than khoáng sản) đã khiến ngành công nghiệp khai khoáng suy giảm tăng trưởng trong năm qua

Theo đánh giá của bà Phạm Chi Lan, ngành khai khoáng cũng đã chạm đến điểm nghẽn. "Khai thác theo kiểu tận khai, cứ đào mỏ lên mà bán thì còn đâu giá trị nữa khi giá cả giảm sút. Như dầu thô, năm 2016, tăng khai thác cũng không giúp tăng thu được bao nhiêu. Kể cả năm 2017, giá dầu được dự báo tăng thì cũng không đủ bù đắp chi phí khai thác.

"Thực ra với Việt Nam, khai khoáng đến ngưỡng cũng là lúc tài nguyên cạn kiệt. Thế nên có muốn làm theo kiểu cũ là khai thác thô để bán cũng không còn cửa để làm", bà Lan nói.

5 phép thử cho Chính phủ trong năm 2017

Nhận định về tình hình năm 2017, bà Lan nêu lên 5 vấn đề gọi là những phép thử cho Chính phủ.

Một là vấn đề môi trường, năm 2016, Chính phủ đã tuyên bố không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, vậy năm 2017, Chính phủ có ra được các quyết định thẳng thừng ví dụ như không làm thép Cà Ná, xử lý một loạt các vụ môi trường khác hay không?

Hai là vấn đề quy hoạch - tương quan giữa xây dựng công trình và sự đáp ứng của hạ tầng, như dự án ở Giảng Võ mà Thủ tướng vừa tuyên bố mới đây.

"Vấn đề quy hoạch đang đặt Chính phủ trước thách thức xử lý xung đột giữa một bên là các nhóm lợi ích trong xây dựng bất động sản và một bên là lợi ích cộng đồng. Ai sẽ thắng đây? Lợi ích của đông đảo người dân hay của một nhóm đại gia bất động sản", bà Lan nêu câu hỏi.

Bà Phạm Chi Lan: Tăng trưởng thấp, không thể đổ lỗi cho nông nghiệp, khai khoáng ảnh 3

Bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: Ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến quy hoạch?

Thứ ba là thực hiện các đề án tái cơ cấu. "Đề án này Quốc hội đã thông qua rồi, Chính phủ cho biết sẽ lập nhóm đặc nhiệm để thực hiện. Tôi rất mong có một nhóm đặc nhiệm như vậy, đứng ngoài cơ quan quyền lực bình thường để có thể đương đầu với các nhóm lợi ích".

Thứ tư là phép thử về hội nhập khi một loạt vấn đề trên thế giới xảy ra trong thời gian qua, đòi hỏi Nhà nước phải xem xét một loạt mối quan hệ vơi Mỹ, Trung Quốc, EU…

Cuối cùng là các vấn đề xã hội. "Đầu năm nay, chúng ta tiếp nhận báo cáo của Oxfam với thực trạng bất bình đẳng trong xã hội đang diễn ra ghê gớm. Điều này có khả năng gây ra các vấn đề xã hội rất lớn đòi hỏi Chính phủ phải giải quyết quyết liệt", bà Lan cho hay.

Tin mới lên