Tiêu điểm

Bật đèn xanh cho việc bảo lãnh một số dự án PPP giao thông quan trọng

(VNF) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Bật đèn xanh cho việc bảo lãnh một số dự án PPP giao thông quan trọng

Đáng chú ý là theo thông báo này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng; dự thảo cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2017.

Đây có thể coi là một bước ngoặt chính sách quan trọng vì trước đó, đề xuất về vấn đề này của Bộ Giao thông Vận tải đã bị bác.

Cụ thể, hồi tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 217/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo không kiến nghị Quốc hội việc cung cấp bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng.

Trước đó, để khắc phục tình trạng thiếu vốn, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã đưa ra phương án kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, trong đó, Bộ này kiến nghị 3 cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư nước ngoài chưa có tiền lệ, chưa có quy định pháp luật gồm: bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh cam kết chuyển đổi ngoại tệ (còn gọi là bảo lãnh tỷ giá) và bảo lãnh bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng.

Ý kiến này sau đó đã vấp phải phản ứng từ nhiều phía. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đã là đầu tư, kinh doanh thì phải thực hiện nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu chứ không có chuyện bảo lãnh tỷ giá hay bảo lãnh doanh thu.

Năm 2016, khi Bộ GTVT rục rịch kiến nghị bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, Bộ Tài chính cũng đã bác kiến nghị này vì cho rằng, việc này sẽ chuyển hầu hết rủi ro thương mại tài chính của dự án cho phía Chính phủ.

Trở lại với thông báo mới của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận nêu rõ, mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Việt Nam đã được triển khai từ 20 năm trước, tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các dự án PPP còn một số vướng mắc.

Do đó, trong thời gian tới cần phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; thống nhất ý chí huy động các nguồn lực nói chung để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của cả nước. Từ những bất cập đã được chỉ ra trong thực tiễn, các Bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc chấn chỉnh, đặt lợi ích của nhà nước và cộng đồng lên hàng đầu, không cho phép tồn tại lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Về định hướng sửa đổi các Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và số 30/2015/NĐ-CP về hình thức đầu tư này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các Thành viên Ban chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo sửa đổi hai Nghị định này, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ trong tháng 8/2017.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh hỗ trợ chuẩn bị các dự án ưu tiên từ nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư (PDF).

Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn dự kiến được phân bổ và các nguồn lực khác, tiếp tục rà soát thứ tự ưu tiên để lập và công bố danh mục dự án PPP làm cơ sở mời gọi đầu tư; chủ động nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư trên nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá cụ thể nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án PPP trong giai đoạn tới, đề xuất các giải pháp khả thi để thu xếp vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương cập nhật thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Trang thông tin về PPP để phục vụ chương trình truyền thông về PPP.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc hoặc đề xuất, các Bộ, ngành và địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo để xem xét, giải quyết.

Tin mới lên