Tiêu điểm

Bộ Công Thương là nguyên nhân khiến Việt Nam chậm trễ tham gia EITI?

(VNF) - "Tại sao Việt Nam cứ lưỡng lự trong quyết định tham gia EITI? Tôi cho rằng chúng ta đã chọn sai đầu mối thực thi là Bộ Công thương", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.

Bộ Công Thương là nguyên nhân khiến Việt Nam chậm trễ tham gia EITI?

Việc tham gia EITI sẽ giúp ngành khai thác khoáng sản phát triển tốt và chống thất thu ngân sách cho Nhà nước.

Bộ Công thương đang làm gì với EITI?

Năm 2005, Việt Nam bắt đầu tiếp cận "Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác" (EITI). Thế nhưng, 11 năm qua, việc xem xét khả năng tham gia EITI vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Nếu như năm 2006, Bộ Thương mại là đơn vị đã góp công đầu đưa Việt Nam vào WTO sau 11 năm đàm phán ròng rã thì năm 2016, Bộ Công Thương (do Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại hợp thành) lại đang là nguyên nhân "cản trở" việc gia nhập EITI.

11 năm qua, Bộ Công Thương đã xem xét, nghiên cứu, đánh giá những gì về EITI? Không ai biết!

"Lộ trình của Bộ Công Thương gần như không tiếp cận được bởi họ chỉ gửi tham vấn tới một số bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường và những bên liên quan. Những thông tin này đều được đóng dấu mật và không được phép tiết lộ ra bên ngoài", bà Trần Thanh Thủy, đại diện Liên minh khoáng sản nói.

Trong một buổi tọa đàm do VCCI và PanNature tổ chức cách đây ít lâu, đại diện Bộ Công Thương đã phê phán EITI chỉ là một tổ chức lỏng lẻo và rằng EITI không phải là "cây đũa thần" để giải quyết mọi chuyện.

Nhưng, theo các đánh giá được thừa nhận rộng rãi, EITI là một trong những sáng kiến quản trị hiệu quả nhất mà quốc tế từng có. Việc Bộ Công thương từ chối xem xét tham gia chỉ vì đó không phải là "cây đũa thần", nghe ra thật khó thuyết phục.

Tại buổi tọa đàm "Việt Nam tham gia EITI: Cơ hội hay rào cản?" tổ chức sáng 13/9, TS Nguyễn Thành Sơn đã thẳng thắn nhận xét thực chất của việc trì hoãn đó chẳng qua là do cơ quan quản lý muốn tạo ra cơ chế lờ mờ để "đục nước béo cò".

"Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là lợi ích nhóm, cơ quan quản lý chứ không phải ở bộ quy chuẩn hay công nghiệp khai khoáng", ông Sơn nhận định.

TS Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Oxfam cũng cho rằng hiện tại Việt Nam không có bất cứ rào cản nào đáng kể đối với việc tham gia EITI. Rào cản lớn nhất chính là thiếu quyết tâm chính trị.

Nên giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường

Lần lịch sử trở về những năm đầu EITI du nhập vào Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nêu lên nhận định việc lựa chọn Bộ Công thương làm cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI có lẽ là một sai lầm.

Theo ông Tuấn, Bộ Công thương hiện là cơ quan chủ quản của nhiều tập đoàn, tổng công ty như PVN, TKV… "Do đó, trong hành xử, Bộ Công Thương không chỉ cân nhắc lợi ích dưới góc độ quản lý nhà nước mà còn có thể cân nhắc dưới góc độ một nhà đầu tư, ông chủ của những tập đoàn lớn. Mà trên thực tế, quan hệ này lại có những điểm đặc biệt", ông Tuấn nói.

Chính vì thế, đại diện VCCI cho rằng Chính phủ nên giao cho Bộ Tài chính hoặc Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội và nhất là Bộ Tài nguyên & Môi trường đảm nhiệm việc xem xét thực thi EITI.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của đa số các chuyên gia hiện nay, bởi lẽ Bộ Tài nguyên & Môi trường là cơ quan nắm phần lớn các thông tin, số liệu mà EITI yêu cầu đưa vào báo cáo.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Diễn đàn nhà báo môi trường cũng lưu ý rằng các tiêu chí lựa chọn cơ quan đảm trách xem xét EITI của Việt Nam trước nay không ổn định, do đó cần nghiên cứu kĩ. Mặt khác, yếu tố người thi hành công vụ vẫn hết sức quan trọng, dẫu cho đó là bộ nào đi chăng nữa.

Tin mới lên