Tiêu điểm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Đất nước muốn đi nhanh thì phải đúng đường'

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ những trăn trở của ông xung quanh dự thảo Luật Quy hoạch đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Đất nước muốn đi nhanh thì phải đúng đường'

Quy hoạch thiếu đồng bộ khiến nhiều đô thị lớn trên cả nước chịu cảnh kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: Thành Hoa

Ông Dũng nói:

"Thực tế là dự thảo luật này đã đưa ra thảo luận trong Chính phủ nhiệm kỳ trước nhiều lần rồi.

Đến Chính phủ hiện nay, dự luật đã được thảo luận nhiều lần nữa, được thống nhất, đã bỏ phiếu mới đủ điều kiện đưa ra Quốc hội. Tôi đã giải trình, bảo vệ, và tiếp thu ý kiến cho dự thảo hai lần tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước khi đưa ra kỳ họp Quốc hội tới đây.

Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi làm rất công phu và bài bản. Lần đầu tiên khi xây dựng một dự luật, chúng tôi tổ chức các đoàn đi tới từng bộ một để nghe, bàn, trao đổi, thuyết phục, chứ không phải một mình làm luật. Bên cạnh đó, chúng tôi tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tôi khẳng định, 100% các chuyên gia đầu ngành của các ngành đều ủng hộ dự luật, ai ai cũng nói ra được luật là điều rất tốt cho đất nước".

- Thưa Bộ trưởng, vì sao hầu như tất cả thành viên Chính phủ đã đồng thuận mà dự luật vẫn gặp ý kiến phản đối từ chính các bộ khi đưa ra UBTVQH?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Trong hai lần tôi bảo vệ dự luật tại UBTVQH, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ, chỉ còn một, hai ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh; chứ không có ai nói phản bác đối với dự luật này. Tinh thần chung, theo tôi hiểu, chỉ giải quyết những vấn đề còn cần xin ý kiến để hoàn chỉnh bộ luật, chứ không phải đặt vấn đề lật lại với luật. Có nghĩa là đã tạo được sự ủng hộ rất tốt từ phía Quốc hội.

Tuy nhiên, một số thứ trưởng thì lại khác, họ đề nghị giữ lại các quy hoạch ngành. Vấn đề chủ yếu là chỉ thế thôi. Tôi đã nói ở UBTVQH, chúng ta phải thống nhất nguyên tắc làm việc. Dự luật đã qua cả quy trình của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tổ chức hội thảo, lấy ý kiến, đã được Chính phủ họp bàn nhiều lần, đã thống nhất bỏ phiếu trình ra Quốc hội. Dự thảo là của Chính phủ trình Quốc hội, và tôi đại diện cho Chính phủ chứ không còn là ý kiến cá nhân nữa.

Chúng tôi trân trọng các ý kiến khác nhau, nhưng phải theo nguyên tắc. Vì các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu thống nhất rồi, nên khi có ý kiến ngược, hay khác với dự thảo, thì phải có văn bản của bộ trưởng gửi Thủ tướng. Thủ tướng bàn lại trong Chính phủ, và nếu cần, Thủ tướng có văn bản gửi UBTVQH cho điều chỉnh. Thế nhưng các thứ trưởng đi họp lại nói khác, và chỉ loanh quanh chuyện muốn giữ quy hoạch ngành này, ngành kia của mình.

- Nhưng các thứ trưởng phản ứng như vậy có thể để thể hiện quan điểm của bộ trưởng bộ của họ?

Theo tôi biết, không một bộ trưởng nào chỉ đạo cả, mà nếu họ chỉ đạo cũng phải bằng văn bản gửi Thủ tướng. Thủ tướng xem xét và có văn bản sang Quốc hội. Đó mới là quy trình làm luật.

- Bộ trưởng có thể khẳng định, đến nay dự luật đã được thống nhất trong Chính phủ?

Sau phiên họp ở UBTVQH, chúng tôi lại làm việc với tất cả các bộ, ngành do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đứng ra triệu tập. Tất cả thảo luận lại từng vấn đề một. Cũng phải đấu tranh, thuyết phục nhau. Đến giờ tôi có thể nói, tất cả các bộ, ngành đã đồng ý với Bộ KH&ĐT - là cơ quan soạn thảo, và rút lui toàn bộ ý kiến khác.

- Nhiều người cho rằng, Luật Quy hoạch sẽ giúp phá những "thành trì" kế hoạch hóa tập trung vì các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch ngành thể hiện sự xin - cho, giấy phép con. Ông nhìn nhận thế nào?

Chính xác. Các quy hoạch trước thì có chuyện xin - cho, nhưng bây giờ theo tôi là không còn. Luật này sẽ bỏ quy hoạch sản phẩm và tiến tới theo thị trường. Anh không thể quy hoạch năm nay trồng bao nhiêu tấn lúa, nuôi bao nhiêu tấn tôm. Anh quy hoạch năm nay nuôi bao nhiêu tấn tôm, nhưng nếu tôm không được giá, thì nông dân đâu có làm.

Ngược lại, nếu anh chả cho thì người dân vẫn cứ nuôi tôm nếu giá cao. Họ làm theo tín hiệu thị trường. Thị trường sẽ quyết định. Quy hoạch sản xuất xuất khẩu gạo quá buồn cười. Còn quy hoạch sản phẩm thì còn xin - cho. Ai đủ điều kiện, tiêu chí, quy chuẩn thì họ được quyền sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đó chứ.

- Có người nói, Bộ KH&ĐT làm Luật Quy hoạch là mang quyền lợi về cho mình. Ông giải thích thế nào?

Họ không đọc dự thảo luật và không hiểu. Chúng tôi không lấy bất kỳ công việc của ai hết. Bộ nào vẫn làm chức năng quy hoạch của bộ đó. Chúng tôi không phải là cơ quan làm quy hoạch thay. Luật đó để quản lý công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước, chứ không phải để đưa chức năng, nhiệm vụ quy hoạch đó về Bộ KH&ĐT.

Riêng về quy hoạch tổng thể quốc gia, thì chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao cho một cơ quan nào đó có thẩm quyền để tổ chức thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt. Chúng tôi không nói Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì thẩm định. Nhưng trong quá trình soạn thảo có rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ KH&ĐT là bộ tổng hợp nên phải làm việc này, và đề nghị phải ghi đích danh Bộ KH&ĐT là cơ quan thẩm định.

Bộ KH&ĐT chỉ là cơ quan điều phối để các bộ ngồi lại với nhau, thảo luận về các bản quy hoạch chung. Hơn nữa, cơ quan thẩm định cũng vẫn có các thành viên từ các bộ, ngành khác.

- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của luật này trong phát triển? Nó có quan trọng sau Luật Doanh nghiệp không?

Xếp hạng như thế nào thì khó, nhưng luật này thực sự rất quan trọng. Hiện nay, thất thoát, lãng phí, làm bậy, cản trở phát triển liên quan nhiều đến công tác quy hoạch. Ví dụ, Hà Nội, TPHCM chịu cảnh kẹt xe nghiêm trọng đều do công tác quy hoạch, mà không chỉ do quy hoạch đô thị đâu. Nói rộng ra, nó phải là quy hoạch phát triển kinh tế của cả vùng đó, khi anh bố trí, tổ chức phát triển.

Trong dự thảo luật này chỉ còn 33 quy hoạch ngành, như giao thông, đê kè, biển là những lĩnh vực Nhà nước không thể không làm. Phần lớn đã bị bỏ đi sau khi thống nhất với các bộ, ngành khác.

- Tác động lớn nhất của luật này (nếu nó được ban hành) với phát triển kinh tế nói chung là gì, theo ông?

Tới đây sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia, từ đó các quy hoạch của ngành, của địa phương sẽ được tích hợp vào đó để làm động lực thúc đẩy phát triển, chứ không phải cản trở phát triển. Lúc đó sẽ làm rõ hơn vai trò của Nhà nước, của thị trường. Doanh nghiệp không còn phải đi xin bổ sung quy hoạch, tạo sự tùy tiện trong quản lý.

Tôi nghĩ, đất nước muốn đi nhanh thì phải đi đúng đường. Ví dụ, đi ra hồ Hoàn Kiếm, nếu ai không biết đường thì cứ đi loanh quanh, trả chi phí về thời gian, công sức, và tiền bạc. Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải có luật tốt để định ra con đường đi của mình, cứ thế thẳng tiến mà đi. Còn nếu nay phải dừng, mai hỏi, thì không bao giờ ta đi nhanh được, mất hết thời gian, cơ hội.

Lồng cơ chế xin - cho vào các quy hoạch sản phẩm

Thật ra, quy hoạch sản phẩm để làm gì? Chuyên gia Lưu Bích Hồ nhìn nhận: "Có bao nhiêu bản quy hoạch ngành, sản phẩm là có ít nhất bấy nhiêu sự xin - cho. Thành ra, ai ai cũng làm quy hoạch ngành, phản bội lại kinh tế thị trường".

Trên thực tế, không tổ chức nào thống kê được có bao nhiêu điều kiện kinh doanh, hay cơ chế xin - cho mà các bản quy hoạch ngành này đặt ra. Hai tổ chức thường làm việc này nhất là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ thường thống kê các điều kiện kinh doanh từ cấp thông tư trở lên, và không đủ sức làm với các quy hoạch sản phẩm. Vậy là, người ta có xu hướng bê các điều kiện kinh doanh không được  phép trong các thông tư sang các quy hoạch sản phẩm.

Rõ ràng, các quy hoạch ngành, sản phẩm không phù hợp với nền kinh tế thị trường, đang cản trở sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp và gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội. Một số ngành, sản phẩm do thị trường quyết định phải dựa trên quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh, nhưng vẫn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch nên không phát huy được hiệu quả, gây cản trở thu hút đầu tư. Nhiều bản quy hoạch nội dung thiếu thực tiễn và thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu phát triển nhiều khi xuất phát từ mong muốn chủ quan, không phù hợp với yêu cầu của thị trường và nguồn lực thực có. Vì thế, quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, phải điều chỉnh trong thời gian ngắn. Tư duy nhiệm kỳ của một số lãnh đạo địa phương đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội dung quy hoạch, làm cho quy hoạch thiếu khách quan, không khả thi và điều chỉnh tùy tiện.

Việc loại bỏ tất cả các quy hoạch sản phẩm hiện nay, theo dự thảo Luật Quy hoạch, sẽ giúp loại bỏ giấy phép con, hạn chế cơ chế xin - cho, giúp công khai, minh bạch, thông thoáng trong môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đang cam kết kiến tạo.

Tin mới lên