Tiêu điểm

Chờ đợi cú "cất cánh" của Long Thành

Những diễn biến chính sách gần đây cho thấy sân bay Long Thành, đại kế hoạch đầu tư mới của Việt Nam đã và đang được đặt lên đường băng, chuẩn bị cho cú "cất cánh" thực sự sau nhiều năm chờ đợi.

Chờ đợi cú "cất cánh" của Long Thành

Thiên thời địa lợi

Khi được đưa ra Quốc hội để xin chủ trương đầu tư, sân bay Long Thành vẫn nhận được nhiều ánh nhìn hoài nghi về tương lai. Tuy nhiên, sau khi được Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư, mọi việc dường như đang trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, theo đó đồng ý bổ sung dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Với vị thế mới, một điều chắc chắn là các thủ tục đối với dự án này sẽ được thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Từ địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chính thức đề nghị tách ngay tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, cho tạm ứng vốn theo tiến độ giải phóng mặt bằng để có thể đáp ứng kịp tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Rút kinh nghiệm" từ nhiều dự án đầu tư khác liên quan đến quỹ đất, động thái này cho thấy phía tỉnh Đồng Nai cũng rất tích cực chuẩn bị cho dự án này và đang muốn có cơ chế riêng để thúc nhanh công việc giải phóng mặt bằng, vốn làm đau đầu nhiều "siêu dự án" khác tại Việt Nam.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cần ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này. Nếu chờ sau khi báo cáo khả thi giai đoạn I của dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư,  dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2017, Đồng Nai sẽ không thể triển khai kịp công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để bàn giao cho chủ đầu tư khởi công dự án theo dự kiến vào năm 2018.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long thành, theo đó cho tách ngay tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai ngay, đảm bảo trong năm 2018 có thể khởi công dự án.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, ACV đang thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) giai đoạn I của dự án, dự kiến sẽ hoàn thành trình Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2017 và tiến hành khởi công xây dựng vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019), đưa giai đoạn I của dự án vào khai thác chậm nhất năm 2025.

Tìm vốn ở đâu?

Cho dù Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã đạt được những bước tiến ban đầu rất thuận lợi, song vấn đề cơ bản nhất là huy động vốn cho dự án này thì vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc huy động vốn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chủ đầu tư là Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), một doanh nghiệp đang trong tiến trình cổ phần hóa và sẽ mất thêm thời gian để ổn định hoạt động theo mô hình mới.

Ngày 6/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 1710 phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, một bước chuẩn bị pháp lý rất quan trọng để tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp này, và sự thành bại của quá trình này sẽ tác động trực tiếp đến việc triển khai dự án sân bay Long Thành sau này. Nói cách khác, việc cổ phần hóa ACV bây giờ đang là một "ẩn số" đáng chú ý đối với tương lai của sân bay Long Thành.

Theo Quyết định số 1710, hình thức cổ phần hóa ACV được phê duyệt là kết hợp vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ của ACV là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10 nghìn đồng. Với phương án này, ACV được xem là một trong số những doanh nghiệp thuộc loại lớn nhất cả nước.

Đáng chú ý là trong số này, Nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.682 triệu cổ phần. Trong khi đó, cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ.

Đây là tỷ lệ khá lớn và chắc chắn được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, vì nếu thực hiện thành công, sẽ giúp ACV có được nguồn vốn lớn để chủ động cho các kế hoạch đầu tư trong đó trọng tâm là "kế hoạch Long Thành".

Hiện tại, theo nhiều chuyên gia, việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho ACV sẽ không gặp nhiều khó khăn vì những lợi thế tự nhiên mà doanh nghiệp này đang có, đặc biệt là những "tài sản" khủng là các…sân bay hiện tại.

ACV hiện đang dành thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Pháp. Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Augustin de Romanet, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) đã bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược trong chương trình CPH ACV. Đại diện này thậm chí đã bày tỏ mong muốn được mua tới 25-30% cổ phần của ACV.

Theo kế hoạch đầu tư đã được Quốc hội thông qua chủ trương, tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, tất cả các nguồn vốn này đều đang trong trạng thái chờ đợi và trước mắt Bộ Giao thông vận tải và ACV còn rất nhiều công việc phải giải quyết để có thể hiện thực hóa kế hoạch đầu tư, qua đó đưa Long Thành "cất cánh" trong ngành hàng không quốc tế.

Tin mới lên