Tiêu điểm

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nêu hai thách thức lớn nhất của Việt Nam

(VNF) - Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, cải cách cơ cấu và đầu tư vào con người là hai thách thức lớn nhất mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong hai thập kỷ tới.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nêu hai thách thức lớn nhất của Việt Nam

Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim.

Tại buổi họp báo công bố báo cáo "Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ" sáng ngày 23/2, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nhận định Việt Nam sẽ đối mặt với ít nhất hai thách thức lớn để đạt được mục tiêu trong năm 2035.

Theo ông Jim Yong Kim, thách thức lớn thứ nhất mà bất cứ nước nào cũng phải đối mặt là vấn đề liên quan đến cải cách cơ cấu, làm thế nào để khu vực tư nhân trong nước có thể tiếp cận đất đai, nguồn vốn phù hợp với nguyên tắc thị trường chứ không chỉ phân bổ cho những người thân quen. "Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện vấn đề này và cần nỗ lực để phát triển", ông Kim nói.

Thách thức lớn thứ hai đó là cần phải cải thiện đầu tư vào con người để có thể cạnh tranh trong thế giới số hóa. Việc làm khu vực nông nghiệp sẽ dần mất đi, ngành công nghiệp chế tạo nhẹ cũng sử dụng nhiều máy móc, công nghệ và do đó những cá nhân có trình độ, kỹ năng thấp khó có thể cạnh tranh được.

Theo ông Kim, Việt Nam cần cải thiện đầu tư vào con người, vào chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. "Tôi đảm bảo đây là yếu tố quan trọng", ông Kim khẳng định.

"Từng tế bào não bộ, chất xám, năng lực trí tuệ của công dân cần được phát triển để làm việc và cạnh tranh trong thời đại số hóa. Đầu tư vào con người là là đầu tư vào tương lai", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói.

Ngoài ra, về câu hỏi Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", ông Kim nhận định không thể có câu trả lời duy nhất cho Việt Nam, song ông tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" như nhiều nước khác nếu thực hiện các khuyến nghị đã được nêu tại báo cáo.

Trong đó, năng suất lao động là nhân tố cơ bản. Đại bộ phận các nước không có khả năng thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" (dù có tăng trưởng nhanh hay không) gần như hoàn toàn do năng suất bị đình trệ. Ngoài ra, theo ông Kim, trách nhiệm giải trình của Chính phủ và sự giám sát của người dân cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình".

"Xuất phát từ những thông lệ tốt nhất, đây là báo cáo có được từ những bằng chứng của nhiều quốc gia trên thế giới với tình huống tương tự như Việt Nam, đã vượt qua như thế nào. Ở những nước khác họ đã thành công khi đưa ra những quyêt định khó khăn và họ đã thực hiện được những quyết định đó", Chủ tịch Jim Yong Kim nói.

Tin mới lên