Tiêu điểm

Chủ tịch VCCI: Sẽ kiến nghị Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường

(VNF) - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện các địa phương đang sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhưng cần tránh nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường, nếu không sẽ gây ra những hệ lụy.

Chủ tịch VCCI: Sẽ kiến nghị Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chiều 8/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

75% doanh nghiệp có chuyển biến tích cực

Nội dung chính của Hội nghị sẽ nhằm sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết. Sau Hội nghị, Thủ tướng có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện.

Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) sẽ trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DNNN và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Được biết, từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất tổ chức vào năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức kỷ lục.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2016 đạt 110.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay, tăng 16,2% so với năm 2015. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), theo đăng ký của các địa phương tổng số doanh nghiệp có thể đạt được 1,4 triệu. "Với điều này, chúng ta có thể kỳ vọng đến 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này cũng cần có sự sửa đổi về luật thuế, kế toán... để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp siêu nhỏ", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, 75% doanh nghiệp được đánh giá là có chuyển biến tích cực, tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương; gần 30% đánh giá sự chuyển biến còn hạn chế.

Nhà nước cần vừa 'thoái vốn', vừa 'thoái sức'

Về kiến nghị của doanh nghiệp đối với Chính phủ (bao gồm 320 kiến nghị nêu tại hội nghị 2016, 100 kiến nghị gửi bổ sung sau hội nghị), ông Lộc cho biết, phần lớn các kiến nghị nêu từ 2016 đã được giải quyết; còn lại do vướng mắc ở tầm pháp luật, hoặc đang nghiên cứu giải quyết.

Năm nay, VCCI nhận được 200 kiến nghị mới và đã chuyển cho các bô ngành, địa phương xem xét giải quyết. Các kiến nghị tập trung vào các nội dung cụ thể của Nghị quyết 35 như cải cách hành chính, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp,...

Về "điểm nhấn" của Hội nghị năm nay, ông Lộc cho rằng, hiện các địa phương đang sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhưng cần tránh tình trạng Nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường.

Cụ thể, theo ông Lộc, không được hành chính hóa hệ thống dịch vụ phát triển doanh nghiệp bởi nếu luật pháp quy định không đủ rõ thì dễ dẫn đến "Nhà nước đứng ra làm tất cả".

Với kiến nghị "Chính phủ kiến tạo chứ không làm thay cho thị trường", ông Lộc cho rằng, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thoái vốn, Nhà nước cần thoái sức ra khỏi các dịch vụ công, không "ôm đồm" mà tập trung vào kiến tạo thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thị trường phát triển bền vững.

Tin mới lên