Tiêu điểm

'Có lúc nhân dân thấy hình như hành pháp to hơn lập pháp'

(VNF) - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói "có trường hợp nhân dân có cảm giác cơ quan hành pháp hình như có quyền lực cao hơn cơ quan lập pháp" khi đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội.

'Có lúc nhân dân thấy hình như hành pháp to hơn lập pháp'

Trong phần phát biểu của mình tại Quốc hội chiều 28/3, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói ông vẫn còn nhiều băn khoăn về vai trò thực tế của Quốc hội.

Theo đại biểu Nghĩa, chức năng làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng hiệu lực của nghị quyết nói chung và đặc biệt là nghị quyết về xây dựng luật chưa cao. Thông thường không hoàn thành nhiệm vụ đã quy định trong nghị quyết đó là khuyết điểm, nhưng có trường hợp xin hoãn nhiều lần, đến cuối nhiệm kỳ vẫn không hoàn thành, phải chuyển sang nhiệm kỳ sau, như vậy cần phải được coi là không hoàn thành nhiệm vụ. 

Dẫn ví dụ như Luật lập hội và Luật biểu tình, theo Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị từ năm 2005 yêu cầu phải làm 2 luật này, Quốc hội khóa XIII đầu nhiệm kỳ đưa vào, nhưng bị hoãn nhiều lần. Cuối cùng, nghị quyết chỉ yêu cầu trình ra kỳ họp 11 để cho ý kiến, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra rồi nhưng vẫn không đưa ra được. 

"Tôi đề nghị sắp tới có những việc ta không đưa vào nghị quyết, nếu đã đưa vào phải tuân thủ hiệu lực, không hoàn thành phải có chế tài. Có trường hợp nhân dân có cảm giác cơ quan hành pháp hình như có quyền lực cao hơn cơ quan lập pháp. Nếu như vậy cử tri sẽ nghĩ gì sắp tới đây họ đi bầu cử Quốc hội, là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân", ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn về việc làm luật để triển khai Hiến pháp. Vừa qua, nhằm triển khai Hiến pháp năm 2013, đã bổ sung, sửa chữa và thông qua được một số đạo luật cơ bản, quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội khóa XIV tới cần lưu ý về việc có "độ chênh" giữa tinh thần, nội dung của Hiến pháp đối với các đạo luật, thậm chí có trường hợp Hiến pháp quy định còn chi tiết hơn làm luật. 

"Có trường hợp khi làm luật Hiến pháp quy định quyền công dân, quyền con người có 3 điểm, khi làm luật lấy 2 điểm, còn bỏ bớt 1 điểm. Ở nước ta không có Tòa án Hiến pháp. Do đó, Quốc hội phải là cơ quan giám sát việc thi hành Hiến pháp thông qua giám sát việc soạn thảo các đạo luật", ông đề xuất. 

Đại biểu cũng nhắc tới một "lỗ hổng" trong quá trình soạn thảo luật hiện nay, theo đó chủ yếu giao cho hành pháp, "trong không ít trường hợp việc soạn thảo thể hiện lợi ích và sự thuận lợi cho hành pháp và cho quản lý hành chính". 

"Có những trường hợp do không giám sát kỹ nên trong một số luật đã có kẽ hở, những vùng xám rất tiện lợi cho sự tùy tiện, nhũng nhiễu của các cán bộ công chức quản lý hành chính, gây cho nhân dân, cho doanh nghiệp rất nhiều bất bình và bức xúc. Có những trường hợp, sau khi Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường đã nhất trí, lẽ ra chỉ cần chỉnh sửa về ngữ pháp, chính tả, nhưng khi đưa ra bấm nút thì lại thấy có những thay đổi về ý tứ và nội dung. Điều này, tôi cho rằng không thể chấp nhận được", ông nói. 

Liên quan đến vấn đề thi hành pháp luật, ông Nghĩa cho rằng Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trong việc tình hình phạm pháp hiện nay đang ở mức báo động, theo đó pháp luật bị vi phạm ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương, mọi cấp độ. 

"Những người đã học luật và đã công tác pháp luật đều biết một quy luật là pháp luật càng chặt chẽ, hoạt động phòng, chống tội phạm càng hiệu quả thì tội phạm càng tinh vi. Do đó, pháp luật càng phải hoàn thiện hơn và việc phòng, chống tội phạm càng tiến bộ hơn. Đây là một cuộc rượt đuổi mang tính chất quy luật, pháp luật phải nhanh hơn, phải cao hơn, phải mạnh hơn tội phạm thì mới bảo vệ được con người, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ nhà nước. Ở nước ta, tôi thấy tội phạm không cần tinh vi, rất trắng trợn, rất công khai kéo dài", ông nhấn mạnh.

Tin mới lên