Tiêu điểm

Gốc của nợ nần: Kỷ luật tài chính chưa nghiêm

Thu ngân sách đang "hụt hơi" so với chi và đang được đề xuất bổ sung thông qua phát hành trái phiếu, vay thêm nợ… Cân đối ngân sách đang là một bài toán khó của cả nước, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Gốc của nợ nần: Kỷ luật tài chính chưa nghiêm

TS. Nguyễn Đức Kiên

Việc Bộ Tài chính liên tục đưa ra các phương án để đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ngân hàng và xin dùng nguồn tài chính bán vốn DNNN để bù đắp... cho thấy tính "nguy cấp" của ngân sách và nợ nần hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ngân sách đúng là rất khó khăn. Quốc hội cũng đặt ra đây là vấn đề lớn cần được đầu tư xem xét thỏa đáng và Thủ tướng cũng báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này. Các số liệu cho thấy, trong sự khó khăn của cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) thì cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015 khoảng 18,1% so với tổng chi cân đối NSNN, giảm mạnh so với con số 25% trong tổng chi NSNN giai đoạn 2006-2010…

Về nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 54,5%, ước năm 2014 là 59,6%, dự kiến năm 2015 là 61,3%. Đó là những dấu hiệu cảnh báo về vấn đề này.

Nhưng, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì năm nay ngân sách "bội thu" Có những địa phương đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu thu cả năm…

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách năm 2015 vượt dự toán 7%, nhưng vượt dự toán cũng có vấn đề. Dự toán thu ngân sách năm nay là 911.100 tỷ đồng, ước thực hiện tổng thu có khả năng vượt 16.400 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách địa phương vượt 47.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách Trung ương lại hụt thu hơn 31.000 tỷ đồng do giảm thuế thu nhập DN và giá dầu giảm dẫn tới hụt thu rất lớn. Số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng.

Trong phần tăng thu thì nhờ thu tiền sử dụng đất và có những khoản thu tăng đột biến khác như thu thuế môi trường của một vài dự án và cả khoản thu nợ tiền sử dụng đất từ trước hoặc thu nợ đọng thuế mới được như thế.

Để bù đắp ngân sách Trung ương, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội xin bán bớt phần vốn ở DNNN, ước thu về khoảng 40 nghìn tỷ đồng, trong đó có xin dùng 10.000 tỷ đồng để bù đắp năm nay, 30.000 tỷ đồng cho năm sau.

Ông có ý kiến gì trước các nguồn bù đắp cho bội chi ngân sách mà Bộ Tài chính đang toan tính?

Trong tình hình mới, một tình hình rất khác biệt so với những năm trước, mà chúng ta vẫn giải quyết vấn đề theo cách cũ - xin tăng bội chi và phát hành trái phiếu - chứ không đặt vấn đề tiết kiệm đầu tư công như thế nào, nâng cao hiệu quả đầu tư công ra sao... Đây mới là bản chất của vấn đề.

Trong các giải pháp đưa ra chưa có giải pháp nào cụ thể và riết róng về quy chế và nhiệm vụ trong thực hiện đầu tư công, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả đầu tư công. Chúng ta vẫn chỉ là cắt giảm 10% chi thường xuyên, giảm 5% trong tổng dự toán chi đầu tư…

Với kiểu đặt vấn đề như thế thì có thể sẽ xảy ra việc đẩy dự toán, tính vống dự toán lên để khi cắt giảm theo chỉ đạo vẫn đạt thành tích, nhưng số chi vẫn như cũ. Bản chất vấn đề ở đó, nhưng hình như mọi người không để ý mà chỉ tập trung vào con số, chưa lưu ý đến phương pháp tính.


Một nền kinh tế không có nợ là không tưởng
 

Nợ công Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro nhất thế giới, nay lại dự tính phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Ông có bấm nút đồng ý cho việc đi vay này?

Đến thời điểm này có lẽ buộc chúng ta phải đồng ý. Như kinh tế Mỹ, khi Chính phủ Mỹ phải dừng hoạt động vài tuần do thiếu kinh phí hoạt động thì họ cũng buộc nâng quy định trần nợ công lên, đi kèm là rà soát cắt giảm ngay một loạt công trình dự án chưa hiệu quả. Nhưng tất cả các khoản chi thường xuyên của họ và chi dịch vụ công như bảo trì, bảo vệ công viên là có địa chỉ cụ thể và quốc hội cũng như người dân nhìn vào đó giám sát.

Còn chúng ta thì tất cả đưa hết vào là NSNN nên việc giám sát của người dân, đa phần không có chuyên môn sâu về tài chính - ngân sách là rất khó.

Gần đây chúng ta đã phải đảo nợ, đẩy nỗi lo nợ nần tăng lên. Mỗi năm Việt Nam lại có thêm 8 tỷ USD nợ công. Ông bình luận gì về thực trạng này?

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc vay nợ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới không có chính phủ nào vay nợ xong là trả hết nợ, trừ nước Đức. Các nước đều có tình trạng nợ năm này tích sang năm kia.

Một nền kinh tế mà chính phủ không có nợ là nền kinh tế không tưởng. Nếu cứ nói vay để đầu tư và đầu tư xong phải trả hết nợ, không vay nữa… thì làm gì có chuyện như Chính phủ Mỹ nợ công đến hơn 16.000 tỷ USD? Vấn đề là các nền kinh tế khác họ làm ra đủ trả lãi và đủ khả năng cân đối nợ, thấy khả năng trả nợ được thì mới vay. Còn Việt Nam làm ra đủ trả lãi, nhưng không đủ khả năng cân đối trả nợ. Khác nhau ở chỗ đó.

Để giảm rủi ro liên quan đến nợ nước ngoài, chủ trương là huy động vốn trong nước vào ngân sách. Thế nhưng phát hành trái phiếu dài hạn không đạt mục tiêu, buộc phải đề xuất đa dạng kỳ hạn... Vậy, nguyên nhân do kỳ hạn dài?

Để đảm bảo cho nợ công bền vững và nợ vay được sử dụng hiệu quả, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hướng đến phát hành trái phiếu dài hạn trong nước. Do trước đây, phát hành trái phiếu ngắn hạn, vừa vay nợ về chưa kịp làm gì đã đến kỳ trả nợ.

Việc trái phiếu dài hạn trong nước thời gian qua phát hành khó khăn không thể nói do kỳ hạn nợ, mà đây lại là vấn đề khác của nền kinh tế. Đó là có một khoảng cách rất xa giữa dự báo thị trường của Chính phủ và khả năng thật của nền kinh tế. Do không dự báo đúng tình hình nên không huy động được đủ số tiền từ phát hành trái phiếu để trả nợ như dự kiến.

Ngoài ra có một điểm phải thừa nhận chính là kỷ luật ngân sách và tài chính của chúng ta không nghiêm. Chúng ta đã có Nghị quyết về việc lùi bội chi về mức 4%, nhưng rốt cuộc chúng ta vẫn tìm đủ mọi lý do để không làm.

Vấn đề thứ hai là sự phối hợp chính sách vênh nhau. Đã có lúc chính sách tài khóa đẩy hết trách nhiệm đáp ứng vốn đầu tư cho chính sách tiền tệ. Đến khi chính sách tiền tệ siết chặt lại, NHNN điều tiết việc phát hành tín phiếu ngân hàng và phần vốn mua trái phiếu để điều tiết lạm phát, lo giải quyết nợ xấu, đảm bảo thanh khoản, tái cơ cấu… thì khó khăn nảy sinh.

Dùng chính sách tiền tệ để đỡ nợ công và chi tiêu công là không đúng bản chất vấn đề. Chính sách tiền tệ là để hỗ trợ các thành phần kinh tế khác tham gia tích cực vào nền kinh tế, còn đầu tư công và chi tiêu công phải trên thực lực của các chính phủ. Việt Nam thì làm ngược lại.

Để phối hợp tốt giữa chính sách tài khoá và tiền tệ thì phải giảm thâm hụt ngân sách, hạ tổng vốn đầu tư công, đồng thời huy động tối đa vốn từ xã hội… thì chúng ta lại không làm. Đối chiếu với việc lập kế hoạch tài chính 2016, cộng cả dự án đầu tư dang dở cần thiết vào rồi mời các tỉnh lên trao đổi thêm bớt... thì tự nhiên bội chi vọt lên, buộc phát hành trái phiếu tăng… Để phát hành thành công lại phải đẩy lãi suất trái phiếu lên...

Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên