Tiêu điểm

Góc nhìn: Apple, Formosa, Hoa Sen: Kinh doanh và sự lựa chọn

(VNF) - Lợi nhuận kinh doanh và bảo vệ môi trường cũng như vi phạm pháp luật liệu có đối lập nhau và bắt buộc phải lựa chọn một trong hai?

Góc nhìn: Apple, Formosa, Hoa Sen: Kinh doanh và sự lựa chọn

Mới đây, tập đoàn công nghệ Mỹ - Apple đã cho ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh thế hệ mới nhất iPhone 7 và iPhone 7 plus. Tuy nhiên, ngay trước sự kiện giới thiệu sản phẩm mới, Apple đã gặp rắc rối khi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Ireland truy thu 14,5 tỷ USD tiền thuế từ tập đoàn này cùng với các khoản lãi suất theo quy định. Đây là mức phạt được xem là "kỷ lục" của EU so với các vụ việc tương tự trước đó.

Phía EU cáo buộc chính phủ Ireland đã "thiên vị" tập đoàn công nghệ Mỹ. Bởi năm 1991, Ireland muốn Apple đặt trụ sở hoạt động tại nước này, do đó đã tạo điều kiện cho Apple hưởng ưu đãi về thuế suất. Thỏa thuận năm 1991 đã cho phép Apple khai báo lợi nhuận "không tương xứng" từ hai công ty con. Theo EU, ưu đãi tại Ireland cho phép Apple chỉ trả thuế suất thực tế tương đương 0,005% lợi nhuận tại châu Âu vào năm 2014, trước đó, mức này là 1% tùy theo từng năm.

Ngay sau khi có phán quyết của tòa, Tim Cook, Giám đốc điều hành (CEO) của Apple đã đưa ra tuyên bố chính thức của mình để phản đối bản án này. "Tiền thuế có thể được trả. Việc làm cũng có thể có. Nhưng Apple chỉ đáp ứng một điều kiện". Apple đã khẳng định, chính phủ các nước chỉ được chọn một trong hai việc làm hoặc tiền thuế, không có chuyện có được đồng thời cả hai.

Bị phạt 14,5 tỷ USD, CEO Tim Cook thay mặt Apple tuyên bố "muốn chọn thuế hay chọn việc làm"?

Đồng thời, Apple cũng bóng gió một lời thách thức rằng hành động của EU sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng, tạo hiệu ứng xấu đến dòng đầu tư và quá trình tạo việc làm ở châu Âu. 

Tuyên bố này của Apple khiến người theo dõi liên tưởng đến lựa chọn "cá - thép" từng khiến phần đông người Việt phẫn nộ về sự cố ô nhiễm môi trường, khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung mà "thủ phạm" là nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.

Mới đây, dư luận lại càng sôi nổi hơn nữa khi xuất hiện thêm một siêu dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen, có quy mô đầu tư gấp đôi nhà máy thép Formosa. Người ta lại nghi ngại về một "Formosa phiên bản 2" và những lựa chọn "đánh đổi" được cái này phải mất cái kia. 

Đánh đổi môi trường dẫn đến sụp đổ các nền văn minh 

Bắt đầu chương 15 của cuốn sách "Sụp đổ: Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào", tác giả Jared Diamond đã đặt ra một vấn nạn: "Các ngành kinh doanh cũng lên án các nhà môi trường thường xuyên lờ đi và không quan tâm tới các thực tiễn kinh doanh, không quan tâm tới nguyện vọng của cư dân địa phương và chính phủ các nước về vấn đề việc làm và phát triển, đặt vấn đề bảo vệ chim chóc lên trên bảo vệ con người, và không khen ngợi các ngành kinh doanh…"

Trong cuốn sách dài 600 trang này, Jared Diamond đã khẳng định rằng tổn hại môi trường là nguyên nhân then chốt nhất trong tất cả các sự sụp đổ mà các nền văn minh phải hứng chịu.

Người Anasazi sinh sống ở Chaco Canyon (New Mexico ngày nay); cư dân đảo Phục Sinh (Easter Island) Thái Bình Dương - những người đã để lại những bức tượng đầu người khổng lồ; tất cả đều là những nền văn hóa đã từng có thời kì huy hoàng, nhưng rồi bỗng chốc lụi tàn và biến mất. 

Rất nhiều người từng băn khoăn hàng năm trời về những nền văn hoá này. Jared Diamond – nhà sinh học, nhân chủng học, và là tác giả của cuốn sách tạo nên cuộc cách mạng về nghiên cứu lịch sử nhân loại toàn cầu "Súng, Vi Trùng và Thép" – đã đưa ra câu trả lời.

Diamond liệt kê 5 yếu tố dẫn đến sự diệt vong của một số xã hội lịch sử, bao gồm: tổn hại môi trường, thay đổi khí hậu, liên hệ giữa xã hội và các lân bang thù địch, liên hệ với những láng giềng thân thiện, cách đối phó của tập thể về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trước những khó khăn xảy ra.

Trong đó, tổn hại môi trường là nguyên nhân lớn trong tất cả các sự sụp đổ mà Diamond miêu tả. Ví dụ, người Anasazi ở Chaco Canyon chặt phá môi trường rừng xung quanh của họ mặc dù họ cần các loại hạt Pinon làm thực phẩm, gỗ củi và xây các các công trình xây dựng. Họ cũng xây dựng các kênh mương thủy lợi, nhưng khí hậu khô biến mương thành các khe sâu nơi nước chảy xuống quá xa để có thể sử dụng trong nông nghiệp.

Mặc dù vậy, người Anasazi đã kéo dài sự sinh tồn của họ ở Chaco hơn 500 năm. Không ai biết lý do tại sao họ lại để cho môi trường của họ bị phá huỷ và xói mòn đến mức xảy ra nạn đói.

Đảo Phục Sinh từng nền văn hóa có thời kì huy hoàng, nhưng rồi bỗng chốc lụi tàn và biến mất. 

Tương tự như vậy, tại đảo Phục Sinh thuộc phía Nam Thái Bình Dương của Chile, có những bức tượng đá khổng lồ nổi tiếng thế giới, được những người khai hoang Polynesia dựng lên từ khoảng 1000-1100 sau công nguyên. 

Và sau đó, khi nhà thám hiểm người Hà Lan Jakob Roggeveen đến hòn đảo vào năm 1722, gần như tất cả tượng bị lật đổ, và phần lớn bị phá vỡ. "Chúng tôi tin rằng cát đã phủ lên những thảo nguyên, khiến cỏ bị tàn lụi, làm khô héo hay đốt cháy các loài thực vật khác", Jakob Roggeveen cho biết.

"Sự tương đồng giữa đảo Phục Sinh và thế giới hiện đại rõ ràng đến rợn người", Diamond viết. "Nếu hàng ngàn người sống trên đảo Phục Sinh với các công cụ chỉ là đá và sức mạnh cơ bắp của mình đã đủ để phá hủy môi trường của họ và do đó phá hủy xã hội của họ, thì hàng tỷ người với các công cụ kim loại và điện máy có thể làm tồi tệ hơn đến mức nào?".

Một điều khá nổi bật trong lí giải của Diamond là hầu hết các xã hội diệt vong đã gặp vận mạng ấy không phải vì các xã hội ấy bị "giết" bởi một yếu tố bên ngoài, nhưng mà do chính họ "tự tử". Nhận xét này đặt cho Diamond một câu hỏi: tại sao quyết định tập thể lại thất bại? Tất nhiên, cá nhân ai cũng có những quyết định sai lầm nhưng có nhiều yếu tố khác khiến tập thể có quyết định sai lầm, chẳng hạn như những xung đột lợi ích của thành viên.

Diamond đã xác định ra 4 lý do chính mà tập thể có thể đưa ra những quyết định tai hại: thứ nhất, họ không tiên liệu trước được vấn đề; thứ hai, đến khi vấn đề xuất hiện, họ cũng không biết; thứ ba, họ cũng không cố gắng giải quyết vì mâu thuẫn lợi ích; và thứ tư, khi mọi chuyện đã quá muộn, họ muốn cũng không thể hoặc việc giải quyết sẽ quá tốn kém.

Chọn cá hay chọn thép?

Liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, từ một câu nói của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, vấn đề lựa chọn cách thức phát triển nào đã được hình tượng hóa bằng cụm từ: "chọn thép hay chọn cá".

Khi vụ gây ô nhiễm của Formosa còn chưa được giải quyết xong, công luận lại xôn xao với việc Tập đoàn Hoa Sen tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná, Ninh Thuận.

Nếu lãnh đạo Formosa đã lên tiếng buộc người Việt đứng trước lựa chọn "Chọn thép hay chọn cá?" thì nay với dự án thép Cà Ná được ví von như "Formosa phiên bản 2", chúng ta phải đứng trước một sự lựa chọn khác "Chọn thép hay chọn cừu?".

Nếu Formosa được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động đến 70 năm thì Cà Ná cũng chẳng "kém cạnh" với 69 năm. Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, để triển khai siêu dự án này thì Hoa Sen được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi.

Chủ tịch Hoa Sen tự tin trước 'canh bạc' dự án thép hơn 10 tỷ USD.

Cụ thể, Hoa Sen sẽ được cấp khoảng 1.400 ha diện tích đất để đầu tư siêu dự án. Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết giao đất sạch, đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án như hai bên đã cam kết. 

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết thực hiện các hành động cần thiết để đạt được sự chấp thuận hoặc cấp phép từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của Hoan Sen về việc cung cấp đủ điện cho dự án.

Đáng chú ý, Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt trong thời gian gần đây và đã phải công bố tình trạng hạn hán khẩn cấp trong năm 2015, nhưng UBND tỉnh vẫn cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 - 300.000 m3 nước/ngày đêm cho Hoa Sen đảm bảo sản xuất từ 6 - 12 triệu tấn thép. Đặc biệt, Ninh Thuận cũng chấp thuận tách hai kênh nước khác biệt nhau để đảm bảo cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp. 

Và thực tế, ngày 1/8/2016, Hoa Sen gửi văn bản cho UBND Ninh Thuận đề cập đến nguồn nước cho siêu dự án thép Cà Ná. Giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 mét khối nước sạch/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 mét khối/ngày. Hoa Sen đề nghị Ninh Thuận chuẩn bị và cung cấp đủ nguồn nước để đáp ứng tiến độ và quy mô của dự án.

Đến ngày 16/8, UBND Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước tận nơi cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam. Tuy nhiên, hiện nhà máy này chỉ có công suất 30.000 mét khối/ngày, lại đang cung cấp cho các khu vực khác nữa.

Dự án thép của Hoa Sen Group đặt tại ven biển Cà Ná, thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận - một vùng hạn hán khủng khiếp. Với lượng mưa thấp nhất nước, hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận không còn lạ. Tại nhiều nơi, người dân cắm cổ khoan đào đến tận âm phủ cũng không thấy mạch nước ngầm, trong khi bò, dê, cừu chết hàng loạt thì cũng đủ thấy tầm mức hạn hán tại tỉnh nghèo này đang rất khốc liệt. 

Những cánh đồng nứt toác rồi bỏ hoang trắng xóa, đàn gia súc cũng chết mòn chết dần mỗi ngày, nhiều thôn xóm đang oằn mình chống chọi hạn hán… đó là những gì xảy ra tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, thiệt hại do hạn hán gây ra từ năm 2015 đến hết tháng 5/2016 lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, số gia súc (trâu, bò, dê, cừu) chết do hạn hán từ đầu năm 2016 đến giữa năm là 3.220 con, thiệt hại khoảng 4,438 tỷ đồng. Dự kiến diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước tước lên đến chục nghìn ha. Hàng nghìn hộ gia đình phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Những con cừu đang gặm những ngọn cỏ khô còn sót lại trên một cánh đồng tại Ninh Thuận.

Không có Hoa Sen thì Ninh Thuận đã khát khô rồi. Nếu đi vào hoạt động, thì lấy nước đâu để cung cấp cho thép Hoa Sen? Và ở cái nơi "nước quý hơn vàng" này, nếu có nước để cung cấp cho Hoa Sen, liệu Ninh Thuận còn đủ nước cho những cánh đồng khô khát và số phận người dân và của những con cừu sẽ về đâu?

Tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen tổ chức sáng 6/9, chính ông Lê Phước Vũ đã mạnh miệng: "Ngu gì không làm thép". Ông Vũ cũng trấn an các cổ đông "đừng thấy Formosa mà sợ" và cam kết nếu dự án để xảy ra ô nhiễm môi trường, sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước và đóng cửa nhà máy. 

Bài học mà tỉnh Hà Tĩnh phải trả giá cho cái giá thoát nghèo nhờ Formosa vẫn còn nóng hôi hổi, lợi ích đâu chưa thấy, ảnh hưởng môi trường biển thì ngay trước mắt mà thiệt hại kinh tế biển không thế tính được bằng tiền. Liệu Ninh Thuận đã "rút kinh nghiệm" từ bài học này? 

Tin mới lên