Tiêu điểm

Góc nhìn VNF: Kết luận của Tổng Bí thư và câu chuyện viết dở của Bộ trưởng Tài chính

(VNF) - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và đồng sự đang lặng lẽ thực hiện những cải cách lớn lao về tài chính, giữa lúc "túi tiền quốc gia" dường như ngày một cạn.

Góc nhìn VNF: Kết luận của Tổng Bí thư và câu chuyện viết dở của Bộ trưởng Tài chính

Phát biểu kết luận Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu thông điệp về "sự cần thiết, đúng đắn của việc lần đầu tiên sau 30 năm đổi mới, chúng ta xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". Đó cũng chính là câu chuyện mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đang lặng lẽ viết tiếp...

Bài phát biểu của Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Hội nghị cũng nhất trí khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc lần đầu tiên sau 30 năm đổi mới, chúng ta xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, coi đây là bước đổi mới công tác kế hoạch hóa các nguồn lực tài chính quốc gia phù hợp với kinh tế thị trường, nâng cao tính sát hợp, khả thi của kế hoạch đầu tư phát triển và hiệu quả đầu tư công". 

Theo Tổng bí thư, việc "xây dựng, tổ chức thực hiện thắng lợi Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này, chúng ta sẽ chuyển từ cân đối vốn đầu tư hằng năm sang cân đối vốn trong 5 năm ở cả tầm quốc gia và các cấp ngân sách nhà nước, để ngay từ đầu nhiệm kỳ, có được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối vốn ngân sách nhà nước trong 5 năm 2016-2020". 

Việc này cũng sẽ giúp tạo điều kiện để các bộ, ngành trung ương và địa phương sớm xác định được tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của mình, chủ động phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất trong 5 năm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý cơ bản tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước vốn kế hoạch quá lớn trong thời gian qua. 

Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách, tăng quyền chủ động của các cấp, các ngành trong việc phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước phù hợp với các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành mình, cấp mình trong tổng thể Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. 

"Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, trong các bước tiếp theo của quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đại hội XII về phát triển kinh tế xã hội để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, từng địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực cụ thể", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ ngắn của mình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và đồng sự đang lặng lẽ thực hiện những cải cách lớn lao về tài chính, giữa lúc "túi tiền quốc gia" dường như ngày một cạn, và một trong số những vấn đề quan trọng nhất là thắt chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính công.

Không thuộc nhóm những bộ trưởng ồn ào, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đưa ra những quyết định khá "căn cơ" đối với ngành tài chính trong thời gian qua. Theo một chuyên gia pháp lý của VCCI, một loạt các chính sách rất ấn tượng đã được đưa ra sau hơn hai năm nhậm chức, chẳng hạn việc đề nghị bỏ ưu đãi với công nghiệp ô tô làm mếch lòng Bộ Công Thương; tăng thuế, phí đối với khoáng sản nhưng cũng cài vào đó quy định bắt các địa phương phải công khai số phí thu được từ khai khoáng; đề nghị chuyển trách nhiệm trả nợ về cho địa phương chứ Trung ương không bao cấp nữa; lập chiến lược kết cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng giảm phụ thuộc vào dầu khí...

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói phải công tâm nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, nếu không có nợ công tăng nhanh thì không thể có hệ thống đường sá giao thông, bệnh viện, trường học và bộ mặt nông thôn được cải thiện tốt. Nhưng dù sao, giờ là lúc vấn đề nợ công phải được quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Ông cũng nói rằng tới đây, chắc chắn phải quy trách nhiệm rõ ràng, nghiêm minh cho những người có quyền chi tiêu ngân sách. "Các địa phương, các chủ dự án phải có trách nhiệm thu hồi vốn, bố trí ngân sách địa phương để hoàn trả. Vì thế, họ cần tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của dự án trước khi quyết định vay hay không vay để đầu tư. Điều này đảm bảo hiệu quả của vốn vay, và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia", ông Dũng nói.

Hy vọng câu chuyện lành mạnh hóa bức tranh tài chính quốc gia, một bài toán khó khăn và đầy thử thách mà ông Đinh Tiến Dũng và đồng sự đang tập trung giải, sẽ tiếp tục được giải một cách tốt nhất trong tới, sau khi đã được đề cập trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, và sẽ được cụ thể hóa trong nghị quyết của hội nghị trung ương lần này.

Tin mới lên