Tiêu điểm

Không còn được 'vung tay quá trán', nhiều địa phương kém vui

Một số địa phương đã bắt đầu phản ứng với Luật Đầu tư công do không còn được quyền "tự tung tự tác" với các dự án đầu tư, tình trạng đã đẩy nền kinh tế xuống hố chỉ vài năm trước.

 Không còn được 'vung tay quá trán', nhiều địa phương kém vui

Quản lý đầu tư công bị siết lại nhằm tránh tình trạng dự án lãng phí, kém hiệu quả. Ảnh TL.

Đua nhau xin nới lỏng điều kiện

UBND một tỉnh vừa gửi văn bản lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bỏ qua bước phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng.

Tương tự, UBND một tỉnh khác lại gửi văn bản đề xuất bỏ qua các bước thẩm định nội bộ với các dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng. Thể hiện tinh thần đang bị trói chân chói tay, công văn này cũng đề nghị sửa luôn Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 có những quy định chặt chẽ trong đầu tư công.

Những văn bản đòi nới lỏng các điều kiện đầu tư tương tự như trên từ các địa phương đang ngày càng nhiều lên, gây sức ép với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bất chấp các nguyên tắc về đầu tư công đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công, mà muốn sửa đổi lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, có 12 nhóm vấn đề từ các địa phương liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó phần lớn là những thắc mắc do các quy định mới là quá chặt chẽ.

Kể từ khi Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, toàn bộ quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, bố trí vốn kế hoạch, triển khai giải ngân… đều phải tuân thủ các trình tự, thủ tục chặt chẽ hơn trước rất nhiều.

Theo báo cáo công bố tuần trước của Kiểm toán Nhà nước, tình trạng vi phạm các trình tự, thủ tục như Luật Đầu tư công yêu cầu là rất phổ biến ở các bộ, ngành và địa phương.

Chẳng hạn, các địa phương vẫn bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện. Quảng Bình có 455 dự án, Hậu Giang 117 dự án, Đà Nẵng 79 dự án, Nam Định 61 dự án, Cần Thơ 43 dự án.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt các hạn chế khác như nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô do lập quy hoạch không thực tế, không tuân thủ các quy định, phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn,…

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước, trích số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương đến cuối năm 2014 là gần 97.000 tỉ đồng.

Trích dẫn vài số liệu trả nợ của các cơ quan nhà nước, Kiểm toán Nhà nước khẳng định: "Qua kiểm toán cho thấy đây chỉ là số liệu tổng hợp, không có chi tiết dự án và không có phương án, lộ trình xử lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020".

Tình hình trên cho thấy, các bộ, ngành và địa phương vẫn muốn níu kéo tình trạng "vung tay quá trán" và tỏ thái độ "kém vui" khi bị quản lý chặt.

Trong một động thái bảo vệ tinh thần của Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gửi công văn số 6561 tới tất cả các chủ tịch tỉnh. Ông Dũng khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sẽ vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành, đảm bảo công tác quản lý đầu tư công một cách chặt chẽ, hiệu quả trong thời gian tới.

Cương quyết từ bỏ mô hình quản lý bất cập

Ở góc độ địa phương, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, băn khoăn của các nhà quản lý cũng có thể lý giải. Ông nói: "Các quy định thắt chặt đối với đầu tư công có thể làm một số lãnh đạo địa phương hiểu theo hướng các bộ ngành Trung ương đang gây khó dễ nhằm tạo ra cơ chế xin - cho trong cấp phát ngân sách".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện xin – cho dự án đầu tư công. Bộ trưởng nói: "Trong trường hợp bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho nhiều dự án, vượt quá khả năng cân đối vốn của từng giai đoạn, chúng tôi sẽ yêu cầu họ rà soát lại sự cần thiết đầu tư các dự án, cắt giảm quy mô, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đề xuất lại danh mục dự án trong khả năng cân đối vốn từng thời kỳ để thẩm định, nên không thể có việc xin – cho dự án".

Ông Dũng nhận xét, do việc triển khai Luật Đầu tư công khá mới mẻ, nên các bộ, ngành địa phương lúng túng trong việc xây dựng các báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án của chương trình. Bên cạnh đó, việc phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu còn chậm.

Ông Dũng thừa nhận, do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 chưa được thông qua, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng "bị động" trong việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án.

Điều này, theo ông Dũng, dẫn đến việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn một số dự án, đặc biệt là các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm so với thời gian thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8-7-2016. Khẳng định bản thân mình và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ "sát sao và quyết liệt" tháo gỡ khó khăn, ông Dũng cũng đề nghị các chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn thi hành, và Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ.

"Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp xử lý theo thẩm quyền", ông nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, tinh thần chủ đạo của Luật Đầu tư công là đúng đắn và sẽ được nhất quán thực hiện. "Tuy nhiên trong thực hiện có thể phát sinh các khó khăn vướng mắc thì sẽ cùng phối hợp tháo gỡ, không vì khó khăn vướng mắc mà quay lại với mô hình quản lý đầy bất cập trước đây", ông nói.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Đoàn Hồng Quang, Luật Đầu tư công là một trong những thay đổi chính sách mạnh mẽ theo hướng góp phần nâng cao hiệu suất chi đầu tư và sự gắn kết của nó với các ưu tiên của quốc gia.

Ông nhận xét: "Luật đầu tư công là một phần nỗ lực nhằm tăng cường lựa chọn dự án, giám sát và đảm bảo trách nhiệm giải trình trong quản lý đầu tư công. Luật cũng quy định về lập kế hoạch đầu tư trung hạn, với kỳ vọng của Chính phủ nhằm giúp hạn chế các thông lệ dẫn đến đầu tư dàn trải và tăng nợ đọng, bao gồm cả thông lệ về hạn mức ngân sách mềm".

Tin mới lên