Tiêu điểm

Khủng hoảng cá chết làm nóng họp báo Chính phủ thường kỳ

(VNF) - Hàng loạt câu hỏi về vụ cá chết đã được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ và ba lãnh đạo bộ ngành đã trực tiếp trả lời.

Khủng hoảng cá chết làm nóng họp báo Chính phủ thường kỳ

Chiều 5/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016.

Đáng chú ý là các câu hỏi liên quan đến vấn đề cá chết ở miền Trung đã làm nóng không khí cuộc họp báo này.

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong hai ngày 4-5/5, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4/2016. Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn với 21 thành viên mới.

Bộ trưởng Dũng cho hay cá chết là một trong 6 nội dung được đưa ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng TNMT báo cáo về hiện tượng cá chết tại một số vùng biển miền Trung. 

Theo đó, ngày 22/4, báo chí có đăng cá chết ở miền Trung, tức thì Thủ tướng đã chỉ đạo ngay Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào hiện trường. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo rất quyết liệt tìm nguyên nhân cá chết, giao các bộ, ngành đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đánh bắt xa bờ, mua cá của bà con, hỗ trợ gạo…

Tinh thần của Thủ tướng là không để người dân nào đói, không để người dân nào khát, ổn định sớm nhất công việc của người dân, để người dân sớm ra khơi.

"Đây là vụ đầu tiên xảy ra tại vùng biển nước ta trên diện rộng, chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý. Tuy nhiên, Thủ tướng rất chủ động và đã nhanh chóng chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu các nhà khoa học, viện hàn lâm, UBND 4 tỉnh đều vào cuộc. Chủ trương là mời các chuyên gia nước ngoài cùng với chuyên gia trong nước xem xét, đánh giá với tinh thần dựa trên kết luận của các nhà khoa học, các chứng cứ xác đáng để kết luận, công khai, minh bạch vụ việc", ông Dũng nói.

"Chúng ta công nhận có sự lúng túng vì đây là sự việc lần đầu xảy ra trên đất nước ta, các cơ quan, bộ, ngành chưa có kinh nghiệm xử lý việc này. Thủ tướng Chính phủ cho biết thông tin báo cáo từ các địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng còn chậm, thụ động. Tuy nhiên, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng đã rất chủ động nắm bắt và sớm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Ngày 1/5 là ngày nghỉ nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan đã dự và nghe 5 tỉnh, gồm 4 tỉnh thiệt hại và tỉnh Nghệ An, báo cáo tình hình thiệt hại, vấn đề an ninh trật tự, giải quyết cho ngư dân… để đồng bào sớm ổn định, phát triển kinh tế khu vực", ông cho biết thêm.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, trong vụ cá chết, một số cơ quan báo chí rất tích cực vào cuộc, giúp cơ quan, ban, ngành nắm thực chất, rõ tình hình, có giải pháp cảnh báo người dân và dự báo đề phòng cả những nguy cơ tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí đưa tin thổi phồng, suy diễn quá mức, ví dụ đặt tít phải chăng nguyên nhân do chỗ này chỗ kia… "Khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì cứ truy bức đưa ra nguyên nhân trước. Các cơ quan báo chí lại đưa nguyên nhân trước các cơ quan chức năng là Bộ TN&MT, KH&CN, NN&PTNT", ông Tuấn nói.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí phải đưa tin 2 chiều. Một mặt, cấm người dân sử dụng, thu gom để vận chuyển đi địa bàn khác sử dụng, tiêu thụ, chế biến và ăn hải sản ở khu vực ven bờ đã chết không rõ nguyên nhân, bị nhiễm độc hoặc lừ đừ gần chết. Mặt khác, vẫn phải tuyên truyền cá đánh bắt xa bờ là hoàn toàn an toàn, ví dụ các loại cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương. Không thể có cá ngừ đại dương sống ở trong khu vực 50 hải lý trở lại.

"Nếu chúng ta không tuyên truyền việc đó, người dân không hiểu, tẩy chay cả hải sản đánh bắt xa bờ, thì thiệt rất lớn, vô hình chung chúng ta tiếp tay làm thiệt hại lớn hơn cho ngư dân vùng biển. Có những ngư dân khóc bởi đánh bắt xa bờ, 150 hải lý, về không ai mua cả, người ta đổ cá ra đường. Mình tuyên truyền thế nào một mặt để người dân hiểu rõ những loại nào, khu vực nào không được ăn,  những loại nào thì an toàn", ông Tuấn nói.

Về nghi vấn xả thải của Formosa, theo thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, riêng Bộ Công Thương đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra. Đoàn thứ nhất kiểm tra vận hành của Formosa có đúng theo các quy trình quy định trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách hay không, ví dụ về an toàn lao động, về các thiết bị xử lý... 

Đoàn thứ hai kiểm tra việc sử dụng hóa chất khi Formosa nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định, phải có đăng ký tại Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Hóa chất. Khi có xác nhận của cơ quan quản lý thì được phép nhập khẩu và sử dụng theo quy định cũng như kê khai với các cơ quan quản lý mà ở đây trực tiếp là Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Hóa chất.

"Hiện nay, kết quả của đoàn đã được tập hợp cùng báo cáo của các đơn vị khác như Bộ TN&MT, sau này là Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt", ông Hải nói. 

Thứ trưởng cũng cho hay riêng về lĩnh vực hóa chất, theo con số nắm được và qua kiểm tra, cả năm 2015 và tính cho đến thời điểm này, Formosa nhập 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất. Việc này có đăng ký và được chấp thuận nhập khẩu, sử dụng. Chỉ riêng từ đầu năm 2016, Công ty được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất.

"Mục đích nhập khẩu, theo căn cứ khai báo ngay từ đầu về mục đích sử dụng, là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định nước làm mát, hóa chất để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ pH... Từ đầu năm 2016, Công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện nay tồn trong kho 248 tấn. Đây là những hóa chất đã được phép nhập khẩu và sử dụng theo các đăng ký, quy định của pháp luật. Cụ thể thì chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ. Sau này trong tổng hợp chung báo cáo của tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan, sẽ có kết luận chính thức của Chính phủ", ông Hải nói.

Tin mới lên