Tiêu điểm

Kinh tế 7 tháng: Vừa mừng vừa lo

(VNF) Những con số dự báo hết sức lạc quan về mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2015 đang được đặt ra bàn luận trong nhiều diễn đàn kinh tế và cả trong những báo cáo triển vọng của những tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, đi liền với đó là những rủi ro tiềm ẩn không hề nhỏ vẫn thường trực tác động đối với nền kinh tế.

Kinh tế 7 tháng: Vừa mừng vừa lo

Ảnh TL minh họa

Tăng trưởng khá

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28%. Tăng trưởng duy trì đà phục hồi đặc biệt ở khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng về quy mô với mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2009.

Tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 9,9% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (6,2%).

Trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến chế tăng 10.1% (cùng kỳ 2013 tăng 5,8%, năm 2014 tăng 8,1%). Chỉ số PMI  bình quân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 52,4 điểm, mức cao nhất trong 3 năm qua. 

Nền kinh tế đang được duy trì ổn định khá vững chắc, lạm phát CPI tháng 7 ước tăng 0,68% so với cuối năm 2014; CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,42%. Lạm phát kiểm soát ở mức thấp, lạm phát cơ bản ổn định ở mức gần 3% trong suốt 6 tháng qua.

Thị trường tài chính ổn định, thanh khoản tốt, tăng tín dụng khá, giảm phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng. Với đà phục hồi như trên, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%; năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% .

Cũng theo cơ quan này, nền kinh tế cũng đối diện với một số khó khăn nhất định như: phát hành trái phiếu chính phủ không đạt kỳ vọng, lãi suất VND và trái phiếu chính phủ đều tăng; tốc độ thu ngân sách nhà nước chậm so với dự kiến chủ yếu do giảm thu từ dầu thô; tỷ giá sẽ chịu một số áp lực trong 5 tháng cuối năm từ biến động kinh tế quốc tế và tăng cầu ngoại tệ nhập khẩu trong nước.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Nhà Đầu Tư, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm nay là cao nhất từ 2009 đến nay, đạt 6,28% là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục.

Tăng trưởng đạt được chủ yếu nhờ công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 9,1% có đóng góp quan trọng của khai thác dầu khí, đơn đặt hàng tăng cao, chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như điện thoại thông minh của Sam Sung, dệt may, da giày.

Lạm phát thấp, tiêu dùng trong nước có cải thiện. Về tiêu dùng và đầu tư, chính do tăng trưởng phục hồi đã khuyến khích tiêu dùng và đầu tư nhất là đầu tư tư nhân với mức tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tốt nhất kể từ năm 2010.

Đằng sau các chỉ số tăng trưởng

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế những tháng qua tích cực là vậy, nhưng không phải không có những mối quan ngại trước những thực trạng của kinh tế nói chung.

Theo TS Lê Đăng Doanh, bên cạnh những dấu hiệu kinh tế phục hồi trên bình diện chung, nhưng trong một số lĩnh vực và khu vực của nền kinh tế vẫn còn những thách thức.

Như lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng rất thấp và gặp nhiều khó khăn từ khô hạn, nhiễm mặn đến xuất khẩu có nhiều trở ngại; khu vực kinh tế dân doanh có dấu hiệu hồi phục yếu ớt với số doanh nghiệp mới đăng ký tăng nhẹ nhưng đa số doanh nghiệp đang hoạt động chưa có lợi nhuận.

Đặc biệt, theo ông Doanh, đã và đang có tình hình đáng lo ngại như bội chi ngân sách tăng cao, vượt chỉ tiêu cho phép của Quốc hội, Bộ Tài Chính phải đề nghị vay của Ngân hàng Nhà nước, tăng thu các loại phí. Nợ công tiếp tục tăng nhanh.

Tỷ giá chịu sức ép đáng kể sau khi đã điều chỉnh tăng 2%, hết chỉ tiêu cho cả năm. Xuất khẩu giảm sút, nhập siêu lên đến 3,1 tỷ USD, đầu tư nước ngoài giảm sút cả về số dự án lẫn số vốn đăng ký tuy số vốn thực hiện vẫn duy trì ở mức ổn định.

Tín dụng tăng cao, lên đến 8%. Nghị quyết 19 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh được thực hiện quá chậm và kém hiệu quả. Việc chuẩn bị thực hiện các hiệp định thương mại tự do còn kém, doanh nghiệp chưa đạt được chuyển biến cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng những tháng cuối năm sẽ không dễ dàng tiếp tục đà tăng trưởng ngoạn mục do đợt mưa lũ lịch sử đã làm tê liệt ngành than; đồng thời việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ảnh hưởng nhiều mặt đến hoạt xuất nhập khẩu của nước ta (tính đến hết tháng 7, nhập siêu từ Trung Quốc đã vượt 19 tỷ USD).

"Hơn bao giờ hết nước ta cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu ngân sách, giảm mạnh chi thường xuyên, thực sự thực hiện tiết kiệm, tăng năng suất, hiệu quả", ông Doanh khuyến nghị.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bày tỏ lo ngại về khoảng cách giữa để dành và đầu tư trong nền kinh tế. Ông cho rằng mức tăng trưởng thời gian vừa qua của kinh tế có phần do phía tổng cầu tăng cao vì người dân tiêu dùng quá nhiều, khiến để dành sẽ ít đi.

Như vậy sẽ dẫn đến 2 khả năng: Muốn đầu tư lại phải đi vay hoặc không đầu tư. Cả hai điều này đều có tác động mạnh đến phát triển kinh tế.

Mặt khác, liên quan đến tỷ giá, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định: nếu tiếp tục giữ ổn định đồng tiền Việt Nam thì các mục tiêu tăng trưởng đề ra hồi đầu năm hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng nếu Việt Nam nới thêm biên độ tỷ giá sẽ tác động khiến dòng tiền tiết kiệm sẽ dịch chuyển sang "trú ẩn" ở kênh USD và vàng, cũng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Trong một báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam 7 tháng 2015 vừa công bố mới đây, Ngân hàng HSBC cho rằng, có đặc điểm kinh tế trong nước rất đáng chú ý và có tác động lớn đến đà tăng trưởng sắp tới là:

Thâm hụt ngân sách ngày càng rộng thêm khiến Bộ Tài chính mới đây phải cố gắng khai thác nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước; và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước tiếp tục lấn át khu tư nhân-khu vực được xem là có hoạt động đầu tư hiệu quả hơn. Điều này

Mặt khác, báo cáo của HSBC còn có nhận định đáng chú ý khác là: Việt Nam đang mất dần những lợi thế vốn có trước đây về nguồn lực quan trọng của nền kinh tế là chi phí nhân công lao động thấp và quỹ đất canh tác dồi dào. Điều này chắc chắn đã được dòng vốn FDI chú ý.

Bởi trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu tham gia đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực "màu mỡ" trong khu vực sản xuất để tận dụng lợi thế về chi phí lao động. Nay lợi thế so sánh về lao động và danh mục đầu tư còn hạn chế sẽ làm giới hạn nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Tin mới lên