Tiêu điểm

Kinh tế Nhật Bản rơi vào đợt suy thoái mới

(VNF) - Số liệu kinh tế quý III/2015 của nước này cho thấy kinh tế Nhật chính thức rơi vào cuộc suy thoái thứ hai kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào tháng 12/2012.

Kinh tế Nhật Bản rơi vào đợt suy thoái mới

Kinh tế Nhật chính thức rơi vào cuộc suy thoái mới.

Báo cáo kinh tế Nhật Bản quý III cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã giảm 0,8% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,7% trong quý 2, mức giảm cao hơn nhiều với mức dự đoán 0,2% của các chuyên gia kinh tế.

Với số liệu kinh tế trong hai quý sụt giảm liên tiếp, kinh tế Nhật rơi vào một cuộc suy thoái đúng nghĩa (Suy thoái kinh tế được định nghĩa trong kinh tế học vĩ mô là sự suy giảm của Tổng sản phẩm quốc nội thực trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm ; nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong hai quý). 

Môi trường đầu tư ngày càng trì trệ và hoạt động giảm hàng tồn kho của các công ty được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến kinh tế Nhật rơi vào suy thoái. 

Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường Trung Quốc.

Hàng loạt lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế Nhật trong thời gian gần đây liên tục giảm tốc. Triển vọng tăng trường kinh tế Trung Quốc yếu khiến các doanh nghiệp Nhật hạn chế chi tiêu và thu hẹp quy mô sản xuất.

Đầu tư kinh doanh tại Nhật Bản ngày càng suy yếu. Ảnh: Bloomberg

Việc giảm hàng tồn kho khiến GDP quý này của Nhật giảm 0,5%, trong khi đó tiêu dùng cá nhân tăng góp phần vào sự tăng trưởng GDP thêm 0,3%, số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 16/11 cho thấy.

Suy giảm đầu tư được xem là một sự thất bại đối với Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe, người đã kêu gọi các công ty Nhật Bản sử dụng dự trữ tiền mặt ở mức lớn kỷ lục để đầu tư cơ bản nhiều hơn. So với quý trước, đầu tư kinh doanh giảm 1,3 phần trăm trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.

Nhiều chuyên gia cũng đang nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách Abenomics của ông Abe với chiến lược "3 mũi tên" gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, mọi chỉ số đều không đạt như dự báo. 

Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng ông đang tái tập trung vào khôi phục kinh tế. Nhà lãnh đạo này cũng áp dụng các chính sách kích thích lạm phát khiến đồng yên giảm giá, từ đó hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy lợi nhuận mà các công ty Nhật chuyển từ nước ngoài về nước.

Đồng yên mạnh lên sau khi dữ liệu kinh tế quý III được công bố và đã tăng 0,1% tại mức 122,52 Yen/USD. Các nhà đầu tư đang chọn đồng yên như một nơi trú ẩn an toàn sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris vào hôm thứ 6 ngày 13/11.

Báo cáo cho thấy các dữ liệu kinh tế ảm đạm trong vài tháng qua: chi tiêu các hộ gia đình bất ngờ sụt giảm, sản lượng sản xuất xe giảm, doanh số bán lẻ giảm và nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu đình trệ. Một điểm sáng hiếm hoi là sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 1.1% trong tháng 9 so với tháng trước, nhưng vẫn không đủ để bù đắp sự sụt giảm trong tháng 7 và tháng 8.

"BOJ nên hành động ngay bây giờ trước thực trạng các chỉ số cơ bản của nền kinh tế đang báo động: giá cả đang giảm và nền kinh tế không tăng trưởng, kỳ vọng lạm phát tăng vô cùng mờ nhạt", chuyên gia Takeda Itochu nhận định.

Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế đang trông chờ vào những gói kích thích kinh tế mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ được đưa ra tại cuộc họp của cơ quan này trong tháng 11 khi các số liệu kinh tế trong quý III được công bố.

Thủ tướng Abe mới đây đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Akira Amari soạn thảo các biện pháp nhằm đạt mục tiêu tăng GDP danh nghĩa của Nhật thêm 20%, đạt 600 nghìn tỷ yên trong 5 năm.

Ngày 16/11, sau khi số liệu GDP quý III được công bố, ông Amari nói khi ngân sách được bổ sung, nếu có, sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề dân số của Nhật và giảm nhẹ tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với kinh tế nước này.

Rõ ràng, bức tranh kinh tế Nhật Bản trong quý III/2015 không mấy sáng sủa. Giới phân tích lo ngại về khả năng kinh tế nước này tiếp tục suy giảm trong 2 tháng còn lại của năm 2015. Nếu không có giải pháp mạnh thì kinh tế Nhật Bản sẽ chìm trong cơn suy thoái.

Tin mới lên