Tiêu điểm

Làm rõ nhiều nội dung về quyết toán ngân sách 2015 trước giờ ‘bấm nút’

(VNF) - Quốc hội có thể thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 với bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Làm rõ nhiều nội dung về quyết toán ngân sách 2015 trước giờ ‘bấm nút’

Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 đã làm rõ thêm một số nội dung trong quyết toán ngân sách năm 2015.

Cụ thể, theo UBTVQH, về cơ cấu thu NSNN, mặc dù tỷ lệ thu nội địa đã tăng, song chỉ chiếm 66,5% tổng thu NSNN, cơ cấu thu NSNN năm 2015 chưa thật sự bền vững khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ đất đai, thu từ dầu thô vẫn chiếm một tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn thu vào NSNN còn hạn chế. Ngoài nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế trong nước không đạt kế hoạch đề ra dẫn đến thu từ sản xuất kinh doanh nội địa tăng không cao còn do công tác quản lý thu, khai thác nguồn lực kinh tế để tăng thu chưa hiệu quả.

UBTVQH đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thu phù hợp, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XII.

Về việc thu lợi nhuận từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, theo UBTVQH, về nguyên tắc, phần lợi nhuận còn lại cũng thuộc sở hữu nhà nước nhưng từ năm 2013 trở về trước, Nhà nước không thu vào ngân sách mà để lại tăng đầu tư cho DNNN.

Trong những năm gần đây, nhu cầu chi đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tăng cao, trong khi thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh còn khó khăn.

Để bảo đảm cân đối NSNN, hạn chế tăng nhanh nợ công, năm 2015, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định tiếp tục thu vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Để bảo đảm phản ánh tập trung, đầy đủ các khoản thu vào NSNN, khi sửa đổi Luật NSNN, các khoản thu này đã được quy định rõ trong Luật NSNN năm 2015.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, các quy định về miễn, giảm thuế đã có những bất cập, hạn chế nhất định, làm giảm tỷ lệ động viên vào NSNN.

Về vấn đề này, UBTVQH cho biết để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, trong năm 2015 và những năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết có nội dung miễn, giảm thuế.

Việc miễn, giảm thuế đã có những tác động nhất định, phần nào giúp các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn nhưng lại làm giảm tỷ lệ động viên vào NSNN.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu thì việc ban hành và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Vì vậy, để bảo đảm nâng cao hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá các chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian qua để đề ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Đồng thời cần tích cực nghiên cứu để sớm trình Quốc hội sửa đổi các Luật có liên quan đến chính sách thu NSNN cho phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp về thu NSNN theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015 với các chỉ tiêu chính như sau:

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016);

Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, Việt Nam vay trong nước 195.900 tỷ đồng và vay ngoài nước: 67.235 tỷ đồng.

Tin mới lên