Tiêu điểm

‘Nếu kinh tế Việt là sân bóng, chúng tôi chỉ muốn một đội liên quốc gia’

(VNF) - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Nếu coi nền kinh tế Việt Nam như một sân chơi, chúng tôi chỉ muốn một đội bóng liên quốc gia (giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước), Chính phủ là trọng tài. Chúng ta phải bàn cách làm thế nào để hình thành một đội bóng chung, đội bóng này có năng lực cạnh tranh, thi đấu với đội bóng quốc gia khác".

‘Nếu kinh tế Việt là sân bóng, chúng tôi chỉ muốn một đội liên quốc gia’

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Ngày 16/6, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF2017) với chủ đề "Cùng nhau tiến về phía trước – Khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu". 

Ngày 15/6, đại diện đồng Chủ tịch VBF là ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI và đại diện từ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBA) gồm có ông Hirohide Sagara - Trưởng đại diện Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam và ông Funayama Tetsu - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam đã chủ trì buổi họp báo trước diễn đàn.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, người vừa di chuyển từ cuộc họp ở Quốc hội đến buổi họp báo VBF, cho hay kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước là quan trọng để tránh tình trạng "một nền kinh tế hai tốc độ hay hai nền kinh tế trong một quốc gia", đúng với vấn đề Quốc hội đang quan tâm, cũng trùng với chủ đề của APEC năm nay.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng có thể liên kết với các doanh nghiệp FDI, trực tiếp kết nối với các tập đoàn xuyên quốc gia chứ không phải như ngày xưa phải qua nhiều cấp độ khác nhau và chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có cơ hội được tham gia.

Dệt may

Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước để tránh tình trạng "một nền kinh tế hai tốc độ hay hai nền kinh tế trong một quốc gia"

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBA) ông Funayama Tetsu cho hay, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 và sau sự kiện Thủ tướng thăm Nhật Bản đầu tháng 6 vừa qua, kỳ vọng đầu tư Nhật Bản sẽ tăng lên hơn nữa. Ông Funayama Tetsu – người tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5 -  chia sẻ rất ấn tượng với lời hứa của Thủ tướng về đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Chủ tịch VCCI thì khẳng định rằng, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ thực hiện được khi các luật pháp khác thay đổi. 

"Tiêu thụ sản phẩm nông dân như thế nào, xuất khẩu ra sao giao cho Nhà nước thì Nhà nước cũng bó tay. Liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài là vai trò của các hiệp hội. Các hiệp hội doanh nghiệp phải là chủ thể chủ yếu thúc đẩy thị trường. Chính phủ chỉ yểm trợ chứ không thể làm thay", Chủ tịch VCCI nói. "Hai cộng đồng doanh nghiệp bắt tay nhau quan trọng hơn là hai vị Thủ tướng bắt tay nhau".

Ông Funayama Tetsu cũng nhấn manh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biêt là doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI là rất quan trọng.  Đại diện JBA đã lấy hình ảnh "trận đấu bóng đá" để ví von, trong đó "nếu coi thị trường Việt Nam là sân vận động thì nguyên tắc thi đấu, Nhà nước sẽ quyết định, còn chúng tôi muốn là người chơi".

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tiếp ý kiến của đại diện JBA: "Nếu coi nền kinh tế Việt Nam như một  như một sân chơi, chúng tôi chỉ muốn một đội bóng liên quốc gia (doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước), Chính phủ là trọng tài. Chúng ta phải bàn cách làm thế nào để hình thành đội bóng chung, đội bóng này có năng lực cạnh tranh, thi đấu với đôi bóng quốc gia khác".

Mặc dù Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Chúng ta cần chính sách từ Chính phủ nhưng người thiết lập quan hệ giữa các doanh nghiệp không phải Chính phủ, các quan chức chuyên viên Bộ ngành mà là chính các hiệp hội, những người làm doanh nghiệp mới thực sự hiểu doanh nghiệp hơn ai hết. Chúng ta không nên trông chờ các Bộ nhiều mà phải tự bắt tay vào thực hiện, kết nối".

Tin mới lên