Tiêu điểm

Ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức thôi chức Thủ tướng

Chiều 6/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thống nhất miễn nhiệm đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức thôi chức Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận bó hoa từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Theo kết quả bỏ phiếu, 418/487 đại biểu có mặt tại hội trường (chiếm hơn 84% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có 68 phiếu không đồng ý, 1 phiếu không hợp lệ.

Ngay sau đó, đa số đại biểu có mặt cũng đã bấm nút chấp thuận nghị quyết miễn nhiệm. 

Theo đó, việc miễn nhiệm đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có hiệu lực sau khi Quốc hội bầu được người kế nhiệm, theo chương trình sẽ có vào ngày 7/4.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay việc miễn nhiệm ông Dũng xuất phát từ "yêu cầu sắp xếp, bố trí công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác cán bộ".

Người đứng đầu Nhà nước ghi nhận, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 67 tuổi, quê tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ông tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng liên tục 6 khóa (từ khóa VI, dự khuyết, đến khóa XI); Ủy viên Bộ Chính trị 4 khóa VIII, IX, X, XI; đại biểu Quóc hội 4 khóa X, XI, XII, XIII.

Sau khi rời quân ngũ, kể từ năm 1981, ông Dũng trải qua các chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang; Bí thư Huyện ủy Hà Tiên; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

Năm 1995, ông được điều động giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công an. Một năm sau, khi mới 47 tuổi, ông được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Kể từ năm 1997, ông có gần 20 năm gắn bó Chính phủ trên cương vị Phó thủ tướng thường trực rồi Thủ tướng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016, ông cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và 5 Ủy viên Bộ Chính trị khác không tham gia Ban chấp hành khoá mới.

Người được giới thiệu thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng là Phó thủ tướng đương nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ngày mai, 7/4, Quốc hội sẽ thảo luận và bỏ phiếu bầu tân Thủ tướng. Theo quy định của Hiến pháp 2013, Thủ tướng mới đắc cử cũng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội và quốc dân.

Tin mới lên