Tiêu điểm

Ông Phí Thái Bình nói kết luận của cơ quan điều tra 'chưa khách quan'

Thừa nhận có một phần trách nhiệm trong việc đường nước sông Đà liên tục vỡ, nhưng ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho rằng, kết luận của cơ quan điều tra chưa thấu đáo.

Ông Phí Thái Bình nói kết luận của cơ quan điều tra 'chưa khách quan'

Nguyên Phó chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình: "Dự án gặp sự cố liên tiếp bản thân tôi cảm thấy rất đau xót". Ảnh: Bá Đô

Trả lời báo điện tử VnExpress, ông Phí Thái Bình, người vừa bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã cho biết toàn bộ quá trình đầu tư dự án đường ống nước sông Đà.

Cụ thể, năm 2002, Hà Nội bắt đầu thiếu nước tại nhiều khu vực dân cư. Vinaconex là doanh nghiệp Trung ương được TP Hà Nội tín nhiệm, đã lập dự án đầu tư nhà máy nước sông Đà trình Chính phủ. Lúc đó có doanh nghiệp khác trình dự án sản xuất nước mặt sông Hồng, song lúc bấy giờ tổng dự án nước sông Hồng cao, an ninh nguồn nước không đảm bảo nên Chính phủ đã cho phép Vinaconex đầu tư dự án nước mặt sông Đà.

Thời điểm trình Chính phủ thì dự án còn sơ khai, có đề cập sử dụng đường ống gang dẻo vì thời điểm đó các đường ống trong nước đều sử dụng chất liệu này. Tuy nhiên, sau đó Vinaconex được một doanh nghiệp Áo giới thiệu công nghệ sản xuất sợi thủy tinh mà họ đã sản xuất và sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Vinaconex đã cử đoàn chuyên môn sang Áo để xem công nghệ sản xuất và lắp đặt ống.

Tìm hiểu thêm thông tin, phòng đầu tư Vinaconex phát hiện Trung Quốc đã sử dụng ống sợi thủy tinh đại trà nhiều nơi ở nước này nên đã liên hệ với một số doanh nghiệp Trung Quốc và cử đoàn kỹ sư sang Trung Quốc tìm hiểu.

Để khảo sát thiết kế, Vinaconex cũng đã mời hai đơn vị ở Tây Ban Nha và Phần Lan có nhiều kinh nghiệm về ống cốt sợi thủy tinh; hai đơn vị tư vấn trong nước thiết kế tuyến ống trên nền đất yếu. Sau đó, thuê một đơn vị đầu ngành của Bộ Xây dựng thẩm định dự án.

Được hỏi vì sao Vinaconex thay đổi chất liệu ống dẫn sang cốt sợi thuỷ tinh công nghệ Trung Quốc, ông Bình cho biết khi đầu tư nhà máy nước sông Đà, chúng tôi suy nghĩ cần xây dựng nhà máy thiết bị vật tư để không lệ thuộc vào nước ngoài.

"Trên thế giới đã nhiều nơi làm công nghệ ống sợi thủy tinh và hiệu quả tốt. Chất liệu này nhẹ hơn ống gang, thi công lắp đặt dễ hơn, xử lý nền móng dễ hơn, ống trơn nên tốc độ nước chảy nhanh hơn. Khi hỏng hóc thì xử lý được ngay, còn nếu vỡ ống gang thì phải mất cả tháng sửa chữa vì phải nhập khẩu. Chúng tôi đã tính toán dự án sử dụng ống sợi thủy tinh tiết kiệm được 48 tỷ đồng so với ống gang", ông nói.

Thời điểm đó, dây chuyền công nghệ sản xuất đường ống sợi thủy tinh được doanh nghiệp Áo chào giá sản xuất 100 km đường ống mỗi năm là 20 triệu Euro, phía Trung Quốc chào giá 1,5 triệu USD. Hai dây chuyền đều theo công nghệ G7, khác nhau là phía Áo được tự động hóa hoàn toàn, còn công nghệ Trung Quốc có một số công đoạn cơ khí. Trong thực tế phía Trung Quốc đi trước mình nhiều năm và đã dùng đại trà, Vinaconex quyết định tìm công nghệ sản xuất ống sợi thủy tinh hiện đại nhất của Trung Quốc.

"Chúng tôi đấu thầu quốc tế mua dây chuyền công nghệ Trung Quốc để sản xuất ống sợi thủy tinh trong nước với giá 872.000 USD, trong khi đó phía Tây Ban Nha chào 20 triệu USD. Mọi người nói Vinaconex ham rẻ song trong bối cảnh nước ta còn khó khăn, vốn doanh nghiệp hạn chế, dân cần có nước nhanh. Chúng tôi phải khẩn trương sản xuất ống để đáp ứng được tiến độ của nhà máy nước", ông nói.

Về trách nhiệm của mình trong dự án này, ông Bình cho biết "bản thân tôi cảm thấy rất đau xót vì công sức của mình giờ đây không được trọn vẹn và đặc biệt điều buồn hơn nữa là nhiều lãnh đạo, anh em cùng tâm huyết, tận lực để xây dựng đường ống nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân giờ đây lại vướng vào vòng lao lý".

"Khi đường ống vỡ, bản thân nhà tôi cũng bị mất nước, sinh hoạt đảo lộn. Việc người dân bức xúc về vỡ đường ống nước là điều đương nhiên, và tôi thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó", ông nói.

Về kết luận điều tra của cơ quan điều tra, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội nói ông "không có đánh giá gì nhiều, chỉ có điều việc này chưa được thấu đáo và khách quan cho lắm".

"Đáng ra cơ quan điều tra phải xem xét trên nhiều phương diện như kỹ thuật, phân đoạn thời gian và cần hơn nữa là cá thể hoá trách nhiệm của từng người phụ trách, chứ không phải cứ dồn trách nhiệm về chủ trương chỉ đạo. Đặc biệt phải xem xét phương tiện kỹ thuật, khâu sản xuất ống, thi công lắp đặt, vận chuyển hay nguyên vật liệu đầu vào sản xuất ống cốt sợi thuỷ tinh".

"Cơ quan điều tra cần phối hợp với đơn vị chuyên ngành khoa học kỹ thuật để kiểm định lại toàn bộ đường ống, chứ không phải chỉ những đoạn bị vỡ. Kiểm định rõ vỡ do đâu, điểm sản xuất ống như thế nào, ai là người giám sát trực tiếp mọi việc thời điểm đó. Đây là dự án đầu tiên do Vinaconex tự lắp đặt, thiết kế, thi công, vận hành và áp dụng vật liệu mới nên ít nhiều có trở ngại và hư hỏng nhất định. Cũng giống như các hãng xe nổi tiếng trên thế giới, họ sản xuất cũng bị lỗi và bị triệu hồi, tuy nhiên họ không hình sự hoá nó mà xem xét trên các phương diện khác", ông nói.

Tin mới lên