Tiêu điểm

PCI 2016: Quảng Ninh lên nhì bảng, Đà Nẵng vững ngôi đầu

(VNF) - Một hiện tượng trong Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 là Quảng Ninh với 65,60 điểm, lần đầu đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, thứ hạng cao nhất kể từ trước đến nay.

PCI 2016: Quảng Ninh lên nhì bảng, Đà Nẵng vững ngôi đầu

Quảng Ninh lần đầu đứng thứ 2 về chất lượng điều hành.

Sáng ngày 14/3/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016.

Được thực hiện năm thứ 12 liên tiếp, báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

PCI là một bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết kế pháp lý.

Theo bảng xếp hạng PCI 2016, thành phố Đà Nẵng năm thứ tư liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng với điểm số 7, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Đặc biệt, một hiện tượng của năm nay là Quảng Ninh với 65,60 điểm, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, thứ hạng cao nhất kể từ trước đến nay.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế VCCI, trong khoảng 4-5 năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước tiến tích cực trong điều hành. "Quảng Ninh không đi nhanh nhưng chậm rãi và chắc chắn", ông Tuấn nhận xét. Đặc biệt, Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh có nhiều sáng kiến trong điều hành, có mô hình hành chính công đầu tiên của cả nước, có trung tâm xúc tiến đầu tư, có bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương,..

Đồng Tháp (64,96 điểm) đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng, lần thứ 9 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất. Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,67 điểm) đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cùng với Lào Cai (63,49 điểm). Các tỉnh như Thái Nguyên, TP.HCM, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về các nỗ lực cải thiện kinh doanh.

Đáng ghi nhận trong PCI 2016 là các tỉnh thuộc nhóm cuối cùng bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách rất ấn tượng. Khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua.

Bên cạnh đó, xu hướng cải thiện điểm số PCI của cả 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Kết quả điều tra PCI 2016 cũng phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng lên mức cao nhất, trung bình 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng). Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động tăng từ 12%b năm 2015 lên 13% năm 2016.  Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức của năm trước.

Điều tra 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2016 cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô vốn hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010. Các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hóa, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp.

Báo cáo PCI năm nay cũng dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận của doanh nghiệp về các vấn đề môi trường, trong bối cảnh một số sự cố môi trường gây thiệt hại lớn xảy ra trên cả nước. Kết quả điều tra cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp (50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sang trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các qui định pháp luật để tránh ô nhiễm.

Tin mới lên