Tiêu điểm

Phó chủ tịch UBGSTC: ‘Khối lượng tài sản cần xử lý tại các VAMC còn rất lớn’

(VNF) - Mặc dù tỉ lệ nợ xấu giảm thành công từ 17% trước tái cơ cấu xuống 2,91% vào thời điểm tháng 10/2015, vẫn còn một khối lượng lớn tài sản đang nằm tại VAMC cần phải xử lý.

Phó chủ tịch UBGSTC: ‘Khối lượng tài sản cần xử lý tại các VAMC còn rất lớn’

Ông Trương Văn Phước

Tại hội thảo về "Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011 – 2015 và những tác động đối với nền kinh tế" vừa được tổ chức sáng nay (17/12), ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng ông chưa thật sự an tâm về vấn đề nợ xấu dù số liệu là khá "đẹp".

Theo ông Phước, giai đoạn 2012 – nay, toàn hệ thống xử lý được khoảng hơn 458 nghìn tỷ đồng nợ xấu, Trong đó, 45% xử lý qua VAMC; 28% xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro và 27% nợ xấu được xử lý qua các hình thức khác.

Tốc độ gia tăng quy mô nợ xấu đã được hạn chế và kiểm soát nhờ Quyết định 780/QĐ-NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, nhờ đó, năng lực chống đỡ rủi ro cùng với chất lượng tài sản cũng được nâng cao đáng kể.

Tuy nhiên, mặc dù tỉ lệ nợ xấu giảm thành công từ 17% trước tái cơ cấu xuống 2,91% vào thời điểm tháng 10/2015, vẫn còn một khối lượng lớn tài sản đang nằm tại VAMC cần phải xử lý.

"Trong thời gian tới, với việc NHNN tiếp tục đưa ra các chinh sách sửa đổi hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lưu động hóa các tài sản đảm bảo tại VAMC cùng với triển vọng tích cực từ thị trường bất động sản, tất cả đều góp phần tích cực thúc đẩy nhanh quá trình lưu động hóa tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu", ông đề xuất.

Liên quan đến vấn đề đang nóng hiện nay là chính sách tỷ giá, ông Phước cho hay tính đến cuối 2015, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3.000 VND (15%) từ 19.500 đầu 2011 lên 22.500 (trong đó 2011: tăng 8%, 2012: giảm 1%, 2013: tăng 1%, 2014: tăng 1%, 2015: tăng 5%).

Hầu hết những lần điều chỉnh đều thể hiện sự chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ bên ngoài, tạo sự ổn định cho thị trường ngoại hối. Việc duy trì tỷ giá ổn định và giữ chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VNĐ ( khoảng 4-5%) đã tăng tình hấp dẫn của tiền đồng và khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Tỷ lệ tiền gửi khách hàng bằng ngoại tệ/Tổng phương tiện thanh toán đã giảm mạnh từ 17,7% (năm 2011) xuống 11,7% (T10/2015), tỷ trọng huy động vốn bằng ngoại tệ trên tổng nguồn vốn huy động giảm mạnh từ 20,3% (2011) xuống 13% (T10/2015).

Dự trữ ngoại hối cũng đã tăng liên tục, có thời điểm lên tới 35 tỷ USD, tương đương 14 tuần nhập khẩu. Tỷ giá ổn định đã kéo lạm pháp ở mức thấp và tạo lòng tin cho người dân cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin mới lên