Tiêu điểm

Phó thủ tướng yêu cầu rà soát thu phí cảng biển Hải Phòng

(VNF) - Lãnh đạo Chính phủ vừa có ý kiến về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng.

Phó thủ tướng yêu cầu rà soát thu phí cảng biển Hải Phòng

Mức thu phí hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng được các doanh nghiệp phản ánh là cao, tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng từ tháng 1/2017.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng để rà soát, xem xét cụ thể việc thu phí này.

Việc rà soát sẽ bao gồm quy định về mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có) và việc thực hiện thu phí trên của Hải Phòng có đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí. Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ có báo cáo Thủ tướng vấn đề trên trước ngày 20/3/2017.

Trong một văn bản gửi tới báo chí 3 ngày trước, chính quyền Hải Phòng khẳng định không sai khi thu phí hạ tầng cảng. Với mức phí hiện đang áp dụng với hàng xuất nhập khẩu là 250.000 đồng một container 20 feet và 500.000 đồng container 40 feet..., Hải Phòng cho biết đã tham khảo mức thu của nhiều địa phương khác có cửa khẩu biên giới.

Đồng thời, việc thu phí không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu khi hiện thời gian để giải quyết một bộ hồ sơ thu phí khoảng 3 phút và không có tình trạng ách tắc trong quá trình thu.

Tuy nhiên, theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) chính sách tăng phí và bổ sung phí mới của Hải Phòng có dấu hiệu ban hành trái pháp luật, rất nhiều trình tự, thủ tục đã bị bỏ qua, không được thực hiện như không lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quy định; không đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày để lấy ý kiến các đối tượng có liên quan; cũng không đánh giá tác động chính sách và thủ tục hành chính... Đặc biệt, phí mà Hải Phòng thu quá cao, có dấu hiệu phí chồng phí, thay vì chỉ bù đắp cơ bản chi phí liên quan hạng mục phí.

Đáng chú ý, theo VPSF, quy định thu phí của Hải Phòng còn vi phạm điều khoản của WTO về đối xử quốc gia, đã được nội luật hóa thành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia năm 2000 và hàng loạt hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã kí kết khi chỉ áp dụng phí này với hàng xuất nhập khẩu mà không áp dụng đối với hàng trong nước.

Từ những phân tích trên, VPSF cho rằng Nghị quyết 148 có dấu hiệu ban hành trái pháp luật và theo quy định, Thủ tướng có thẩm quyền "đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

Cũng theo đại diện VPSF, tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển dự kiến của Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ đồng nhưng theo số liệu tính toán nhanh của các Hiệp hội doanh nghiệp sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ đồng.

Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp, điều này còn khiến chi phí hoạt động tăng thêm, ước tính, chi phí hành chính, lưu kho, bến bãi… sẽ khiến doanh nghiệp mất thêm hàng triệu USD/năm, chưa kể đến nhiều chi phí không lượng hóa được như phí đền bù hợp đồng do chậm trễ…

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cũng bày tỏ quan điểm, khi thành phố Hải Phòng có Nghị quyết thu phí, các doanh nghiệp Nhật đã bị "choáng" vì việc thu phí quá nhanh và quá cao của địa phương này.

Tin mới lên