Tiêu điểm

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn những vấn đề gì?

Thủ tướng là người duy nhất có kinh nghiệm trả lời chất vấn tại nghị trường trong số 5 thành viên Chính phủ được chọn vào "ghế nóng" lần này...

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn những vấn đề gì?

Theo chương trình chất vấn chi tiết của kỳ họp Quốc hội thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng thứ năm (17/11).

Trong số 5 thành viên Chính phủ được chọn vào "ghế nóng" ở lần chất vấn đầu tiên của Quốc hội khoá 14 này, ông là người duy nhất có kinh nghiệm trả lời chất vấn tại nghị trường.

Bởi, khi còn ở cương vị Phó thủ tướng, vào các kỳ họp giữa năm, ông đã nhiều lần được Thủ tướng uỷ quyền trực tiếp trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội.
Trong những phiên chất vấn đó, các vị đại biểu có thể đặt ra cho ông bất kỳ vấn đề gì đại biểu quan tâm.

Gần nhất, đăng đàn trước Quốc hội khoá 13 vào giữa năm 2015,  Thủ tướng (khi đó là Phó thủ tướng) đã nhận được chất vấn của đại biểu từ vấn đề biển Đông đến nợ công, hạ tầng giao thông cho đến cả chặt cây, lấn sông và tình trạng "sáng cắp ô đi tối cắp về" của cán bộ công chức.

Nhưng, lần này, phạm vi trả lời của Thủ tướng được khuôn lại "về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong ngày 2 ngày 15 và 16/11/2016".

Như thế, phạm vi chất vấn đã được thu hẹp lại. Tuy nhiên, sự "hóc búa" của vấn đề thì có thể còn tăng lên.

Các nhóm vấn đề dành cho bốn vị Bộ trưởng đăng đàn trước Thủ tướng cũng khá rộng, từ công nghiệp ôtô cho đến quy hoạch thuỷ điện, trách nhiệm trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường, đổi mới giáo dục đào tạo, rồi đánh giá chế độ công vụ, công chức, đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Ngoài những nhóm vấn đề nêu trên, tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu còn có một số nội dung khác cũng được đại biểu quan tâm và muốn chất vấn các thành viên Chính phủ. Như, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng; chính sách quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp; án tồn đọng, án oan sai chưa được giải quyết; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; quy hoạch và phê duyệt dự án xây dựng cơ bản (khu dân cư, chung cư); kết quả trồng rừng thay thế và hỗ trợ đời sống người dân ở các công trình thủy điện; các dự án BOT đường bộ. 

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội thì đây đều là những vấn đề nổi lên, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Nhưng nhiều nội dung đã được đại biểu Quốc hội chất vấn và đang trong quá trình triển khai thực hiện việc khắc phục những hạn chế, bất cập theo nghị quyết của Quốc hội.

Đối với nội dung liên quan đến dự án BOT, trong năm 2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)" và gửi báo cáo đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Riêng với nhóm vấn đề đã được đề xuất của Bộ Công Thương, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm của Bộ trong tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh và việc tặng thưởng các danh hiệu nhà nước đối với Tổng công ty xây lắp dầu khí… 

Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích, các nhóm vấn đề được đề xuất đối với các lĩnh vực đã có cân nhắc đến thời lượng dành cho chất vấn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung bức xúc, thiết thực nhất. Do đó, trong quá trình chất vấn, đề nghị đại biểu bám sát nội dung nhóm vấn đề đã nêu để có thể chất vấn những nội dung cụ thể có liên quan. 

Cũng có vị đại biểu không tán thành cách thức lựa chọn nhóm vấn đề, vì hạn chế việc làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm. Các vị này đề nghị các bộ trưởng chủ động chuẩn bị những vấn đề thuộc thẩm quyền để trả lời chất vấn tất cả những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giải trình rằng, việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất nội dung chất vấn thông qua phiếu xin ý kiến nhằm giúp cơ quan này thu được nhiều thông tin để chọn nhóm vấn đề được chính xác hơn. 

Đồng thời, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.

Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị phiên chất vấn theo đúng các quy định của luật. 

Tin mới lên