Tiêu điểm

‘Tôi nghĩ mức tăng lương tối thiểu ít nhất cũng phải là 8,5%’

(VNF) – Đó là nhận xét của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trước kết quả tăng mức lương tối thiểu vùng 2017 được công bố chiều nay (2/8).

‘Tôi nghĩ mức tăng lương tối thiểu ít nhất cũng phải là 8,5%’

Lương tối thiểu vùng chỉ tăng 7,3% so với đề xuất tăng 11,11% của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Hội đồng tiền lương quốc gia chiều nay đã tổ chức họp báo công bố mức đề nghị tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2017.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ 180 – 250 nghìn đồng so với năm 2016, tương đương 7,3%.

Cụ thể, vùng 1 tăng 250.000 đồng, lên mức 3.750.000 đồng; vùng 2 tăng 220.000 đồng, lên mức 3.320.000 đồng; vùng 3 tăng 200.000 đồng, lên mức 2.900.000 đồng và vùng 4 tăng 180.000 đồng, lên mức 2.580.000 đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, đây là kết quả sau hai phiên họp căng thẳng, với tỉ lệ đồng thuận cao (13/14 thành viên Hội đồng thống nhất, chiếm 92,9%).

"Hội đồng xem xét khá nhiều yếu tố, đánh giá tác động chính sách lương, chính sách bảo hiểm, căn cứ vào các chỉ tiêu tăng trưởng, năng suất lao động, đời sống thực tế.. để đi đến quyết định trên. Phương án tăng lương này đã đảm bảo sự dung hòa và chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động", ông Huân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đánh giá về kết quả này, ông Mai Đức Chính, PCT Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, với tư cách đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn chưa thể hài lòng với mức tăng 7,3%. Vì đề xuất ban đầu của Tổng Liên đoàn là 11,11% (bằng với mức tăng năm 2016).

"Dù đã nhìn nhận tình hình doanh nghiệp còn khó khăn, tuy nhiên tôi nghĩ mức tăng ít nhất cũng phải là 8,5%", ông Chính nói.

Theo ông Chính, kết quả điều tra tình hình tiền lương và đời sống người lao động của Tổng Liên đoàn cho thấy có tới 75,5% công nhân muốn tăng ca vì tiền lương quá thấp.

Có 33% nói đủ sống nhưng sống kham khổ, 33% nói mức lương tạm chấp nhận được, và chỉ 14% nói có tích lũy nhưng không nhiều. "Như vậy từ không đủ sống đến sống kham khổ đã chiếm tới 85%, còn lại 15% có tích lũy thì có thể thấy người lao động còn khó khăn lắm".

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp, ông Chính cũng cho rằng với mức CPI tăng 5% thì mức tăng lương 7,3% đã vượt trên mức trượt giá, như vậy công nhân cũng có thể tạm chấp nhận.

"Điều quan trọng sau quyết định này là công đoàn và chính quyền phải giám sát việc tăng lương, tránh tình trạng doanh nghiệp cắt các khoản phụ cấp, để đảm bảo lợi quyền cho người lao động", ông Chính bày tỏ.

Về phía người sử dụng lao đông, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét "Với mức tăng này, doanh nghiệp cần có sự phấn đấu để nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, tận dụng cơ hội đang có để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.

Đây là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang diễn ra sâu rộng. Doanh nghiệp phải có sự chấp nhận nhất định để nâng cao năng lực nội tại của mình, chỉ như vậy mới có thể thành công", ông Phòng nói.

Tin mới lên