Tiêu điểm

TPP chưa tác động nhiều đến cổ phiếu dệt may

(VNF) - Diễn biến giá cổ phiếu ngành dệt may trên thị trường chứng khoán trong khoảng 1 tháng qua có phần không được như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.

TPP chưa tác động nhiều đến cổ phiếu dệt may

Cổ phiếu dệt may 1 tháng sau TPP không có nhiều biến động.

Sau hơn 5 năm đàm phán, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng đã đạt thỏa thuận vào ngày 5/10. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, đặc biệt là ngành dệt may sẽ tiếp cận được với nhiều thị trường lớn mạnh trên thế giới. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào Nhật. TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam.

Theo đó, mức thuế suất áp dụng cho các sản phẩm dệt may đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm về 0% tại một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada. Tuy nhiên, TPP có những yêu cầu rất chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Để hưởng mức thuế ưu đãi 0%, ngành dệt may phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP.

Thực tế, theo ghi nhận của giới chuyên gia, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu, lại phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Có tới 60-90% sản phẩm dệt ở Việt Nam đến từ các thị trường ngoài TPP, chủ yếu từ Trung Quốc và Đài Loan. Rõ ràng, dệt may Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn vô cùng lớn khi đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế thấp.

Trong số không nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết hiện nay, mới có Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe kể trên. 

Cổ phiếu TCM tăng cao nhất gần 13,5% trong 3 ngày trước và sau khi tin TPP kết thúc đàm phán được đưa ra. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này chốt phiên giao dịch ngày 4/11/2015 đứng ở mức 34.600 đồng/CP, tức giảm tới hơn 9% so với mức giá 38.300 đồng/CP tại ngày 5/10/2015.

Cổ phiếu G20 của Tập đoàn Dệt may GHome giảm tới 19,8% xuống mức thấp nhất 9.200 đồng/CP chốt phiên giao dịch ngày 4/11. Cổ phiếu GMC của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may Sài Gòn đóng cửa ngày 4/11 ở mức 40.300đồng/CP, gần chạm mức thấp nhất 40.100 đồng/CP.

Có thể thấy, dường như TPP chưa có những tác động sâu sắc đến các cổ phiếu dệt may trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhiều dự báo đã cho rằng tác động của TPP sắp tới sẽ giúp thị trường chứng khoán giao dịch sôi động hơn, dòng vốn sẽ tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như dệt may, thủy sản…

Tuy không được hưởng thuế suất 0%, song một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10/2015 ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13,6% so với tháng 10/2014. Tính chung 10 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,19 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 2 tháng còn lại của năm 2015, hoạt động sản xuất của ngành dệt may sẽ sôi động hơn do các doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định đến hết năm, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2016.

Với những lợi thế của TPP, giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng lĩnh vực dệt may Việt Nam từ năm 2018-2040 đang được kỳ vọng trở thành công xưởng dệt may thế giới sau Trung Quốc. Đến nay, giá trị cổ phiếu dệt may Việt Nam đã có những tác động tích cực nhưng vì các công ty sản xuất dệt may hiện nay chưa lên sàn nhiều nên chưa nhận thấy được những lợi ích từ hoạt động phát triển của dệt may.

Tới đây, khi các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tăng lên, bức tranh thị trường chứng khoán ngành dệt may chắc chắn sẽ khác. Giá cổ phiếu dệt may lúc đó sẽ được phản ánh thị trường một cách đầy đủ hơn.

Từ khoá: cổ phiếu, dệt may, TPP,
Tin mới lên