Tiêu điểm

Trưởng ban kinh tế Trung ương: 'Chuyển giao công nghệ từ FDI còn hạn chế'

(VNF) - Phát biểu tại hội thảo quốc tế về chính sách công nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, Trưởng ban kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình, đã nêu một loạt điểm yếu của dòng vốn FDI hiện nay.

Trưởng ban kinh tế Trung ương: 'Chuyển giao công nghệ từ FDI còn hạn chế'

Theo ông Bình, nền công nghiệp Việt Nam còn quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài trong khi sự liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước còn thiếu chặt chẽ, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp. 

Hiện nay, FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chiếm tới 100% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại di động. 
Trong tổng vốn đầu tư của xã hội, kể cả vốn đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng, tỷ lệ của FDI rất cao nếu so với các nước khác, kể cả các nước trong nhóm thế hệ công nghiệp hóa thứ năm như Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc (năm 2015, tỷ lệ này của Việt Nam là 25.5% cao hơn nhiều so với Malaysia là 14.3%, Trung Quốc 3.0%, Thái Lan 11.0%). 

Trong khi đó, nhìn vào cơ cấu các quốc gia và lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam cho thấy phần lớn là các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và thứ năm. Những công ty xuất phát từ các nước này hầu hết có lịch sử phát triển ngắn, nguồn lực và trình độ công nghệ còn hạn chế; chưa xác lập văn hóa kinh doanh có tính chất toàn cầu với sự đề cao trách nhiệm xã hội nên chất lượng công nghệ thường không cao và dễ gây va chạm tại nước đến đầu tư (80% có công nghệ trung bình so với thế giới, 14% có công nghệ lạc hậu, chỉ có 6% có công nghệ cao). 

Vẫn theo ông Bình, đáng quan ngại là công nghệ mới trong doanh nghiệp FDI chủ yếu là từ các công ty mẹ  và hoạt động với mục đích chỉ tập trung vào khâu sản xuất chiếm lĩnh thị trường dựa trên các lợi thế về công nghệ do công ty mẹ cung cấp. 

"Trong số này phần lớn là các hợp đồng chuyển giao công nghệ cục bộ không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án FDI đều do công ty nước ngoài bỏ vốn 100% (chiếm tới 80,9%), hình thức liên doanh với công ty trong nước rất ít (16,7%)", ông nói. 

Trưởng ban kinh tế Trung ương cũng cho rằng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện nay rất yếu. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam còn thấp, năm 2014 ở vị trí thứ 103/134, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước trong khu vực như Malaixia xếp thứ 13, Thái Lan 36, Indonexia 39, Philipin 42 và Campuchia 44. 

Trong khi đó, theo thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý. 

Tuy nhiên, Việt Nam cần có chính sách ưu tiên thu hút những nhà đầu tư chiến lược, những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Ông Hải cho rằng trong giai đoạn tới cần tận dụng cơ hội các FTAs mang lại để hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mới cho các ngành chủ đạo; cần nghiên cứu, rà soát lại chuỗi giá trị của một số ngành quan trọng để tận dụng cơ hội từ các FTAs mang lại hình thành nên các chuỗi giá trị mới, tăng giá trị tạo ra trong nước và cơ hội xuất khẩu. 

"Cần điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI một cách có chiến lược, có chọn lọc hơn, hướng vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhằm tăng tỉ trọng FDI trong công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế giám sát, hỗ trợ hậu đầu tư để kịp thời điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, tăng chất lượng, hiệu quả của các dự án FDI", ông Hải kiến nghị. 

Tin mới lên