Tiêu điểm

Việt Nam có 3 phó thủ tướng, 18 bộ trưởng mới

(VNF) - Sáng 9/4, Quốc hội đã phê chuẩn nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 3 tân phó thủ tướng và 18 tân bộ trưởng, trưởng ngành.

Việt Nam có 3 phó thủ tướng, 18 bộ trưởng mới

Các nhân sự mới trúng cử nhậm chức. Ảnh: Giang Huy

Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu kín phê chuẩn các thành viên mới của Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng mới đắc cử Nguyễn Xuân Phúc. Theo ban kiểm phiếu, có 487 người tham gia bầu trong tổng số 494 đại biểu Quốc hội. Với số phiếu bầu quá bán, tất cả ứng viên đều trúng cử. Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 21 thành viên mới được Quốc hội thông qua với hơn 90% phiếu đồng ý. 

Ba tân phó thủ tướng

Theo kết quả kiểm phiếu do ông Huỳnh Văn Tí - trưởng ban kiểm phiếu công bố, 3 chức danh Phó Thủ tướng là ông Trương Hòa Bình, ông Vương Đình Huệ cùng nhận được số phiếu tán thành ngang nhau, 442 phiếu, đạt 89,47%; ông Trịnh Đình Dũng nhận 404 phiếu tán thành (81,78%) và 83 phiếu không đồng ý. 

Ba tân phó thủ tướng trong Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Trong ba phó thủ tướng được trình Quốc hội phê chuẩn lần này, hai người hiện là ủy viên Bộ Chính trị và một là ủy viên Trung ương khóa XII. 

Một trong hai ủy viên Bộ Chính trị là ông Trương Hòa Bình, người vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chánh án TAND tối cao. Vị ủy viên Bộ Chính trị thứ hai là ông Vương Đình Huệ, hiện là trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Còn ông Trịnh Đình Dũng vừa được miễn nhiệm Bộ trưởng Xây dựng.

18 tân bộ trưởng, trưởng ngành

1. Bộ trưởng Bộ Công an: Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị được phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an với 459 phiếu thuận (92,91%) và 28 vị không tán thành.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được phê chuẩn Bộ trưởng Quốc phòng với 462 phiếu đồng ý (chiếm 93,52%) và 25 phiếu không đồng ý.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với 386 phiếu thuận (78,14%), 101 vị không đồng ý.

4. Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường với 420 phiếu thuận (85,02%).

5. Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng với 434 phiếu thuận (87,85%).

6. Bộ trưởng Bộ Công thương: Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn An làm Bộ trưởng Bộ Công thương với 422 vị đồng ý (85,43%).

7. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Ông Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ với 385 phiếu thuận (77,94%) và 101 phiếu không đồng ý.

8. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương được phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với 300 phiếu đồng ý (60,73%) và 184 không đồng ý.

9. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: ông Trương Quang Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải với 416 phiếu thuận (84,21%).

10. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với 435 phiếu thuận (88,06%).

11. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam làm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với 389 phiếu đồng ý (72,47%).

12. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: ông Lê Minh Hưng, Phó chánh Văn phòng Trung ương, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước kế nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với 403 phiếu thuận (81,58%), 83 vị không đồng ý.

13. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch với 433 phiếu thuận (87,65%).

14. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp với 385 phiếu thuận (77,94%).

15. Tổng thanh tra Chính phủ: ông Phan Văn Sáu, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương trở thành người kế nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh với 358 phiếu tán thành (72,47%), không đồng ý 126 phiếu.

16. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với 424 phiếu thuận (85,83%) và 63 phiếu không thuận.

17. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 419 phiếu thuận (84,82%).

18. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc: Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến làm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc với 463 phiếu thuận (93,72%).

Với các nhân sự mới trúng cử, cơ cấu Chính phủ giữ nguyên số lượng 27 người, trong đó Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục tại vị. Chính phủ hiện tại có 26 ủy viên trung ương. Duy nhất Bộ trưởng Y tế không vào Ban chấp hành trung ương khóa 12 và bà cũng là thành viên nữ duy nhất. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũ có 4 ủy viên Bộ Chính trị gồm các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, còn Chính phủ hiện nay đã tăng số lượng ủy viên Bộ Chính trị lên 6 người, gồm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm.

Học vị tiến sĩ chiếm đa số với 13 người, 9 người là thạc sĩ, 5 người là cử nhân/kỹ sư.

17 người tốt nghiệp các ngành Kinh tế trong khi 6 người học Luật, Chính trị, Ngoại giao, 2 người có chuyên môn An ninh Quốc phòng, 2 người thuộc chuyên ngành Vật lý, Y khoa.

Chính phủ đầu nhiệm kỳ khoá 13 (năm 2011) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có độ tuổi trung bình là 56, thì Chính phủ hiện nay do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu có độ tuổi trung bình nhỉnh hơn một chút với 56,2 tuổi (khoá 12 là 56,4 tuổi). Trong đó, cao tuổi nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Ngô Xuân Lịch (62 tuổi), trẻ nhất là ông Lê Minh Hưng 46 tuổi. Có 21 người thuộc nhóm tuổi 50 chiếm 78%.

Cũng trong ngày 9/4, bên cạnh việc kiện toàn nhân sự, Quốc hội còn biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, biểu quyết thông qua dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn công hàm Thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Mỹ.

Tin mới lên