Tiêu điểm

Việt Nam đứng ở đâu trên các bảng xếp hạng toàn cầu?

(VNF) - Quan điểm của GSTS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam về vị trí của Việt Nam trong thế so sánh với các quốc gia khác trên toàn cầu.

Việt Nam đứng ở đâu trên các bảng xếp hạng toàn cầu?

"Những chỉ tiêu năng suất lao động, ở một chừng mực nào đó, phản ánh năng suất của một quốc gia, là cái được quyết định bởi sự kết hợp các thể chế, chính sách và các nhân tố sản xuất. Trên không gian toàn cầu, một sự kết hợp như vậy được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)tổng quát hóa vào khái niệm năng lực cạnh tranh và từ đó có thể giúp định vị các quốc gia.

Theo WEF, có 5 giai đoạn phát triển của các quốc gia trên thế giới, bao gồm: giai đoạn đầu (factor-driven); giai đoạn chuyển đổi (transition); giai đoạn lấy hiệu quả làm động lực (efficiency driven); giai đoạn chuyển đổi lần 2; và giai đoạn lấy sáng tạo làm động lực (innovation driven).

Với cách phân loại này, Việt Nam cho đến 2014 vẫn đang ở giai đoạn đầu, trong khi đó Thái Lan hay Trung Quốc đã ở giai đoạn thứ 3, Malaysia đã chuyển sang giai đoạn thứ 4. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thứ hạng của Việt Nam không có mấy cải thiện, hoặc nếu có thì chỉ là cải thiện trong nội bộ nhóm các nền kinh tế ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Thậm chí nếu tính từ năm 2010 trở lại đây, Việt Namđang tụt hạng từ vị trí thứ 59 xuống vị trí thứ 68.

Môi trường thể chế ít được cải thiện hay sự thiếu ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô là nguyên do căn bản của thực trạng này. Bên cạnh đó, sự chậm cải thiện về chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hạ tầng cũng là những nguyên nhân lớn khác. Đây là bốn yếu tố căn bản để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi môi hình tăng trưởng, tuy nhiên xếp hạng của Việt Nam cho cả bốn yếu tố này đều đang ở mức thấp và không có nhiều tiến triển trong những năm gần đây.

Việt Nam vẫn xếp ở nửa sau trên bảng xếp hạng toàn cầu cho cả 4 yếu tố vừa nói trên.Trong đó, điểm đánh giá cũng như thứ hạng xếp loại về môi trường thể chế của Việt Nam đều đang nằm trong xu hướng giảm kể từ năm 2009 đến nay. Điều này hàm ý môi trường thể chế không những không được cải thiện mà lại kém đi.

Yếu tố giáo dục, đào tạo đại diện cho sự cải thiện trong phát triển nguồn nhân lực, gồm đào tạo nghề và đại học, hầu như không có cải thiện suốt từ 2006 đến nay.

Về cơ sở hạ tầng, sự cải thiện diễn ra khá mạnh trong hai năm trở lại đây, nhưng chủ yếu nhờ vào việc phát triển mạng thông tin di động vốn đã gần như bão hòa.Các thứ hạng về hạ tầng đường bộ, đường biển, đường hàng không có tăng lên, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm kém phát triển nhất trong bảng xếp hạng.

Ngoài 4 yếu tố trên đây, một yếu tố khác không kém phần quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng về dài hạn của Việt Nam hiện cũng đứng ở nữa sau của bảng xếp hạng toàn cầu là yếu tố sáng tạo. Điều đáng nói là thứ hạng của Việt Nam đã tụt hạng ở yếu tố này rất nhanh chóng sau năm 2010. 

Kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan cho thấy, đổi mới và sáng tạo liên tục là nền tảng tạo nên thành công của nhóm Đông Á. Với thực trạng tính sáng tạo quốc gia của Việt Nam đang đi xuống như vậy, cộng với sự suy giảm của TFP, sự tăng lên của ICOR như đã đề cập cho thấy thực chất tăng trưởng Việt Nam đạt được vẫn chỉ là nhờ vào tăng vốn và lao động thiếu kỹ năng.

Thành tựu phát triển con người trong lĩnh vực giáo dục cho thấy tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam rất to lớn, nhưng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI chỉ ra thêm một căn cứ cho thấy những tiềm năng này chưa có môi trường để chuyển hóa thành lợi thế như cách Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước OECD đã làm được. 

Ở đây, một lần nữa cần phải nhắc lại việc lựa chọn chiến lược phát triển. Phát triển kỹ năng cho người lao động là yếu tố tiên quyết để một quốc gia xây dựng và duy trì năng lực cạnh tranh. Việt Nam đã rất nỗ lực và thực tế đã đạt được những thành công lớn về phổ cập giáo dục tiểu học.

Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới ngày càng trở nên tri thức hóa và kỹ năng hóa, thì phổ cập tiểu học làm được là chưa đủ.Hệ thống giáo dục dựa trên nền tảng thi cử cho cho thấy không phù hợp với các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế. Thay vào đó, một hệ thống giáo dục lấy nền tảng thực hành (practice) là điều Việt Nam cần phải cân nhắc triển khai.

Thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số Nền kinh tế Tri thức (KEI) củng cố thêm các luận điểm về sự cần thiết phải có những thay đổi về hệ thống giáo dục truyền thống để chuyển hóa những tiềm năng về tri thức của con người thành giá trị thực sự. KEI của Việt Nam có tăng lên, nhưng có thể thấy là mức tăng không đủ lớn để đưa quốc gia vượt lên nửa trên của bảng xếp hạng toàn cầu (Bảng 9).

Sự tương quan rõ rệt giữa GCI và KEI cho thấy để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cần tập trung vào phát triển nền kinh tế tri thức, liên tục đổi mới và tăng tính sáng tạo. Tuy nhiên, có những nút thắt lớn cần giải tỏa để có thể đẩy nhanh tiến trình phát triển nền kinh tế tri thức. 

Các nỗ lực cải cách thể chế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng của Việt Nam trong suốt 30 năm qua chưa tạo ra những yếu tố đột phá. Năng lực quản trị của Nhà nước đang là một rào cản lớn. Xếp hạng toàn cầu về Chỉ số Quản trị Công của Việt Nam giai đoạn 1996-2013 cho thấy rõ điều này.

Trong 6 chỉ số đại diện cho các chiều cạnh của quản trị công, Việt Nam chỉ xếp trên vị trí trung vị trong mẫu xếp hạng ở chỉ số ổn định chính trị, là điều hiển nhiên và dễ nhận diện. Còn lại, xếp hạng của 5 chỉ số còn lại cho thấy Việt Nam được xếp vào nhóm 50% các quốc gia phía dưới của phân phối các chỉ số. Riêng xếp hạng về "Tự do ngôn luận và trách nhiệm giải trình", Việt Nam có xếp hạng rất thấp, chỉ được phân loại vào nhóm 12% các quốc gia yếu kém nhất.

Xếp hạng của chỉ số này có cải thiện từ 2006 đến nay, nhưng vẫn là bước lùi nếu so với chính Việt Nam vào năm 1996. Chất lượng chính sách trong suốt hai thập kỷ vừa qua không có cải thiện nào, trong khi tính hiệu lực của Chính phủ đang giảm xuống sau, còn vấn đề kiểm soát tham nhũng và thượng tôn pháp luật cũng không có nhiều bước tiến vượt bậc. Như thế, hệ thống quản trị nhà nước chưa phát triển theo kịp với xu thế phát triển của thế giới mà Việt Nam lại đang tích cực hội nhập".

Tin mới lên