Tiêu điểm

VPDF: Thách thức lớn nhất của Việt Nam là năng suất lao động kém

(VNF) - Các nhà trợ và các đối tác phát triển của Việt Nam cho rằng, năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại đối với kinh tế Việt Nam khi tham gia hội nhập.

VPDF: Thách thức lớn nhất của Việt Nam là năng suất lao động kém

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, những năm năm qua (2011-2015), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

Theo WB, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt gần 6% trong thời gian qua, trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6%, làm cho quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi, hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hàng năm, ước đạt khoảng 2.200 USD.

Tuy nhiên, mức tăng năng suất lao động ngày càng suy giảm là vấn đề đáng quan ngại đối với nền kinh tế Việt Nam. Năng suất lao động hiện nay của Việt Nam chưa đến 4%, trong khi Trung Quốc là trên 7% và tại Hàn Quốc hớn 5% vào thời điểm các quốc gia này có trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

Giám đốc WB Việt Nam nhận định:"Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan". 

Bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, để đối phó với tình trạng giảm mức tăng năng suất lao động hiện nay tại, cần tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Cải cách thể chế thị trường cũng cần đẩy mạnh thì mới có thể đạt được mục tiêu này, đại diện WB cho hay.

Cải cách thể chế cũng đóng vai trò then chốt, bởi muốn tăng năng suất lao động thì phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

Một vấn đề không kém phần quan trọng được Giám đốc WB Việt Nam đề cập là thay đổi cải cách Nhà nước, từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lý. Chính phủ cần phải rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết tham gia, nhằm tạo khoảng trống cho doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc.

Đồng quan điểm trên, ông David Devince, Đại sứ Canada cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập và phát triển trở thành nước công nghiệp hiện đại là năng suất lao động kém.

Việc giảm sút về năng suất lao động được lý giải một phần là do số lượng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả và dàn trải. Một phần nguyên nhân khác là do năng lực yếu kém của khu vực tư nhân trong nước, Đại sứ Canada nhận định.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, Việt Nam cần cải tổ sâu sắc hơn và chuyển dịch hướng tới nền kinh tế thị trường thực thụ, ông David Devince khuyến nghị.

Tin mới lên