Tài chính

Tìm hồi kết cho chùm đại án tại PVN

(VNF) – Chùm đại án tại PVN đang liên tục mở rộng cả về đối tượng lẫn phạm vi điều tra và dường như chưa tìm đến điểm dừng.

Tìm hồi kết cho chùm đại án tại PVN

Nhiều cán bộ, lãnh đạo của PVN và các công ty thành viên liên tục bị khởi tố trong thời gian gần đây

"Bóng ma" đại án tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) đang lan rộng. Trong một diễn biến mới đây, ngày 25/9, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Lê Đình Mậu (sinh năm 1972, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban kế toán và kiểm toán PVN.

Việc ông Mậu bị bắt xuất phát từ việc vị nguyên Kế toán trưởng PVN này đã ký nháy trên công văn trình Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu Ban QLDA ĐLDK TB2 tạm ứng cho PVC hơn 800 tỷ đồng dù PVC chưa ký hợp đồng thực hiện gói thầu EPC cho dự án ĐLDK TB2.

Cùng với Mậu, cơ quan an ninh cũng khởi tố 3 bị can gồm Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (QLDA ĐLDK TB2); Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban QLDA ĐLDK TB2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Động thái khởi tố 4 bị can trên là nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVC. Đây là đại án có chủ thể trung tâm đến thời điểm hiện tại là Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng sự việc ở PVC - PVN có thể chưa dừng lại.

Thực tế, việc tạm ứng sai trái đã được Vũ Hồng Chương biết và báo cáo lên Tổng giám đốc PVN thời bấy giờ là ông Phùng Đình Thực nhưng do Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN yêu cầu nên Chương vẫn làm tờ trình xin cấp vốn tạm ứng cho Ban QLDA ĐLDK TB2.

Cũng nghĩa là, sự vụ tại PVC có xuất phát điểm từ sự chi phối của lãnh đạo cấp cao hơn cả Lê Đình Mậu tại PVN mà ở đây, trước mắt là Nguyễn Xuân Sơn. Vụ án Trịnh Xuân Thanh, theo đó, hoàn toàn có thể tiếp tục mở rộng.

4 cán bộ, lãnh đạo PVN và các công ty thành viên bị khởi tố liên quan đến đại án Trịnh Xuân Thanh. Từ phải sang trái: Lê Đình Mậu, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Quý

Nguyễn Xuân Sơn là nhân vật mắt xích quan trọng trong chùm đại án tại PVN. Vị cựu lãnh đạo PVN này vừa bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị án tử hình trong đại án OceanBank do nhận 246 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài từ OceanBank, trong đó có 49 tỷ đồng được xác định là "tham ô tài sản".

Ngày mai (29/9), tòa sẽ tuyên án. Nhưng đại án vẫn chưa khép lại. Số tiền 246 tỷ đồng đi đâu, ai nhận vẫn còn là câu hỏi lớn.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan chức năng, có tổng cộng tới 404 tổ chức kinh tế nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank, trong đó có 103 tổ chức kinh tế nộp lại tiền vào tài khoản tạm giữ với tổng số tiền gần 28,15 tỷ đồng. 237 tổ chức kinh tế không thừa nhận đã nhận tiền lãi ngoài từ OceanBank. Ngoài ra, xét trên phương diện cá nhân, có tới hơn 51.000 người đã nhận tiền lãi ngoài từ OceanBank.

Một cách sòng phẳng, trong bối cảnh lạm phát trên 18%, việc chi lãi ngoài là khó tránh, chỉ là cực chẳng đã do bất cập của Thông tư 02. Thực tế, không chỉ riêng OceanBank, nhiều ngân hàng cũng chi lãi ngoài.

Vấn đề không phải nằm ở chuyện chi lãi ngoài, mà là đối tượng nào nhận số tiền chi lãi ngoài. Nếu đối tượng là tư nhân thì đó là những gì mà họ đáng được nhận bởi nếu không gửi tiền vào OceanBank, họ có thể gửi tiền vào ngân hàng khác và vẫn được nhận lãi ngoài.

Thế nhưng, nếu đối tượng là khu vực nhà nước thì cần xem xét rất kỹ. Chẳng hạn như ở PVN và các công ty thành viên, nếu số tiền chi lãi ngoài chảy về tài khoản của PVN và các công ty thành viên có tiền gửi tại OceanBank thì có thể chấp nhận, nhưng nếu chảy vào túi riêng của cán bộ, lãnh đạo PVN và các công ty thành viên thì đây là tham nhũng.

Phiên tòa 30/8, Nguyễn Xuân Sơn đã khai số tiền 246 tỷ đồng phần lớn được chi cho nhóm của PVN, đặc biệt đã chi cho Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng PVN số tiền lên đến khoảng 30 – 40 tỷ đồng.

Mục đích chi này được bị cáo Sơn khai là để Quỳnh cảm ơn các lãnh đạo PVN.

Ngoài ra, Sơn còn chi cho các doanh nghiệp như Vietsovpetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil. Bị cáo Sơn cho biết, khi đi công tác trong và ngoài nước với các đoàn lãnh đạo PVN, bị cáo có chi cảm ơn PVOil. Ở Vũng Tàu, Sơn khai chi cho công ty Vietsovpetro, mỗi lần từ 300 đến 400 triệu đồng, có lần chi từ 100 đến 200 triệu đồng. Bị cáo Sơn nói thêm là không có tài liệu cụ thể về chuyện chi tiền "cảm ơn".

Bị cáo Sơn cũng khai đến chúc Tết các lãnh đạo ngành Dầu khí cùng với Hà Văn Thắm, "chi từ cấp nhỏ đến lớn, mỗi kỳ khoảng 30-50 tỷ mỗi dịp Tết".

Sơn còn tiết lộ, mỗi phong bì chi cho chuyên viên các bộ ngành thì 50 triệu đồng, còn cao nhất thì Sơn xin phép không nói rõ là ai, tuy nhiên có nói là chỉ chi theo "phong trào" như các doanh nghiệp khác mỗi dịp Tết. Phong bì cao nhất được tiết lộ là 200 triệu đồng.

Việc tiền lãi ngoài chảy vào túi ai đang được điều tra làm rõ. Trước mắt, cơ quan an ninh đã khởi tố thêm 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP), xuất phát từ việc nhận lãi ngoài từ OceanBank.

Xét riêng trong nội bộ PVN, số tổ chức, cá nhân nhận lãi ngoài từ PVN hẳn không chỉ 3 trường hợp trên.

Trước mắt, cơ quan an ninh đã khởi tố thêm 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại VSP, BSR, PVEP, xuất phát từ việc nhận lãi ngoài từ OceanBank

Trong một diễn biến rất đáng chú ý tại phiên tòa ngày 14/9, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản số 6843, ngày 7/9/2010 do ông Đinh La Thăng ký. Văn bản này có nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại Oceanbank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm: cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.

"Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OeanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010", văn bản viết.

Hà Văn Thắm từng khai tại tòa, có thời điểm PVN đã gửi ở OceanBank tổng cộng đến 20.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng vốn huy động của OceanBank. Còn ông Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng PVN trả lời tòa tổng số tiền thời điểm cao nhất mà PVN gửi ở OceanBank lên tới 25.000 tỷ đồng.

Chùm đại án tại PVN có thể vẫn chưa dừng lại ở việc mở rộng đại án OceanBank và đại án Trịnh Xuân Thanh.

Với vụ án hình sự tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan, ngoài việc đã khởi tố 5 bị can, trong đó có Vũ Đình Duy hiện đang bỏ trốn, cơ quan an ninh cho biết đang khẩn trương điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tin mới lên