Tài chính

Tin chứng khoán 26/10: Vì sao Vingroup 'bắt tay' PV Oil xây dựng trạm sạc điện?

(VNF) - Việc hợp tác giữa VinFast và PV Oil là rất đáng chú ý với giới đầu tư, bởi nó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của cả PV Oil và Vingroup. PV Oil sẽ có thêm nguồn thu đáng kể trong dài hạn, trong khi thành công trong xây dựng trạm sạc là tiền đề cực kỳ quan trọng để VinFast tiến vào thị trường. Vậy, vì sao Vingroup "bắt tay" PV Oil mà không phải doanh nghiệp khác?

Tin chứng khoán 26/10: Vì sao Vingroup 'bắt tay' PV Oil xây dựng trạm sạc điện?

Vì sao Vingroup "bắt tay" PV Oil xây dựng trạm sạc điện?

Tin chứng khoán: Vì sao VinFast muốn "cộng sinh" với PV Oil?

Ngày 25/10/2018 tại Hà Nội, Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai hệ thống trạm sạc và thuê pin cho xe máy điện thông minh, ô tô điện.

Theo biên bản ghi nhớ, giai đoạn đầu, PV Oil sẽ cung cấp 600 điểm kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để VinFast tiến hành lắp đặt hệ thống trạm, và tăng lên 20.000 điểm vào năm 2020. Dựa trên các địa điểm này, VinFast sẽ linh hoạt triển khai các mô hình, đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng về năng lượng điện, bao gồm: hệ thống trạm sạc nhanh, hệ thống trạm thuê pin và hệ thống trạm sạc qua đêm.

Đại diện VinFast cho biết, việc hợp tác với PV Oil là bước khởi đầu quan trọng cho kế hoạch ra mắt sản phẩm xe máy điện thông minh của VinFast vào cuối năm 2018 và ô tô điện trong tương lai.

Việc hợp tác giữa VinFast và PV Oil là rất đáng chú ý với giới đầu tư, bởi nó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của cả PV Oil và Vingroup. Sự hợp tác này chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho PV Oil trong dài hạn. Chiều ngược lại, thành công trong xây dựng trạm sạc dựa trên hệ thống của PV Oil là tiền đề cực kỳ quan trọng để Vingroup kinh doanh tốt ở mảng xe - mảng đang "ngốn" rất nhiều nguồn lực của tập đoàn này.

Vậy, vì sao Vingroup "bắt tay" PV Oil mà không phải doanh nghiệp khác?

Để xây dựng trạm sạc điện một cách nhanh chóng nhằm phục vụ cho việc ra mắt xe máy điện vào tháng 11 tới đây, VinFast rõ ràng không thể tự xây dựng được hệ thống trạm sạc mà phải "cộng sinh" với một doanh nghiệp khác đang có hệ thống cửa hàng bán lẻ lớn, nằm ngoài mặt đường, rộng rãi... Lý tưởng nhất là hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có.

Hệ thống bán lẻ xăng dầu còn cung cấp một thứ khác mà không hệ thống bán lẻ nào có, đó là thói quen: muốn nạp năng lượng cho xe, người tiêu dùng tìm đến cây xăng.

Không chỉ vậy, các hệ thống bán lẻ xăng dầu đã tối ưu vị trí nhằm thuận tiện cho việc xe máy và ô tô nạp năng lượng, vì vậy nó cũng phù hợp để xây dựng trạm sạc điện.

Một điểm cũng rất quan trọng nữa là: đặt trạm sạc ở cây xăng sẽ giúp người tiêu dùng làm quen với xe điện dù họ đang đi xe xăng. Nếu họ thấy thuận tiện, nhất là trong việc nạp năng lượng, họ có thể chuyển sang sử dụng xe điện.

Hiện chỉ có PV Oil và Petrolimex có hệ thống bán lẻ xăng dầu đủ độ phủ (63 tỉnh thành). Tuy nhiên, vì mới ra mắt, sản lượng tiêu thụ xe điện còn bỏ ngỏ nên một hệ thống bán lẻ xăng dầu đủ độ phủ nhưng không quá lớn như PV Oil là phù hợp với VinFast.

Vì là hệ thống không quá lớn, doanh nghiệp không quá lớn nên VinFast dễ đàm phán hơn, chi phí phải trả cho việc thuê mặt bằng cũng ít hơn.

Thêm vào đó, PV Oil sắp tới sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân khi Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%, trong khi Nhà nước lại chưa "buông" Petrolimex. Hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân có nhiều điểm thuận lợi, nhất là về khả năng phối hợp nhanh chóng, linh hoạt.

Ngoài ra, VinFast sẽ ưu tiên thanh toán tiền sạc điện, thuê pin qua thẻ VinID, vì vậy, hợp tác với Petrolimex sẽ khó khăn hơn nhiều do tập đoàn này đã ký kết hợp tác chiến lược với HDBank, thậm chí PGBank của Petrolimex sẽ sớm sáp nhập vào HDBank, nên Petrolimex chắc chắn sẽ ưu tiên thanh toán qua HDBank.

VN-Index lại thủng mốc 900 điểm?

Chứng khoán Mỹ giảm sâu trong ngày thứ Tư do diễn biến tiêu cực tại nhóm Công nghệ và Năng lượng. Chỉ số NASDAQ có phiên giảm mạnh nhất 7 năm. Các thị trường Châu Á cũng phản ứng tiêu cực trong phiên 25/10, không ngoại trừ TTCK Việt Nam với mức giảm mạnh ngay từ đầu phiên.

Áp lực gia tăng đẩy VN-Index giảm mạnh 37 điểm về ngưỡng 885.3 điểm, sát mức đáy từ đầu năm nhưng sau đó, lực bắt đáy khá tốt kéo các chỉ số dần phục hồi và đóng cửa sát mức cao nhất trong ngày, mặc dù vậy số mã giảm vẫn chiếm đa số.

Kết thúc phiên, VN-Index chỉ giảm 12,56 điểm (-1,36%) về 910,17 điểm và VN30-Index giảm nhẹ hơn -7,64 điểm (-0,85%) xuống 888,86 điểm nhờ 3 mã tăng điểm là MSN (+3,33%), PLX (+2,69%) và NVL (+2,19%).

Hầu hết các nhóm ngành chính đều chịu áp lực bán mạnh bao gồm Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Hàng tiêu dùng...

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VN-Index đã có phiên giao dịch giảm điểm nhưng với cây nến ngày là nến tăng, có bóng nến dưới dài. Chỉ số đã hồi phục hồi phục trong phiên sau khi giảm mạnh từ đầu ngày và chạm ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 885.

"Thanh khoản đã tăng so với phiên liền trước và cao hơn so với nền khối lượng giao dịch tuần, tuy nhiên chưa phải ở mức độ đột biến cho thấy cung không tăng lên quá nhiều ở vùng giá thấp. Phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số có khả năng sẽ thử thách ngưỡng cản 920. Nếu vượt qua được ngưỡng này một cách dứt khoát thì đà hồi phục sẽ có khả năng tiếp tục được duy trì", SSI nêu quan điểm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì đánh giá, trong các phiên tới, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục, tuy nhiên đây chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật trước khi VN-ndex giảm điểm trở lại và quay về vùng đáy cũ quanh 885 điểm.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên