Tài chính

Tin chứng khoán 27/9: Cổ phiếu thủy sản và dệt may đã tăng bao nhiêu trong 1 tháng qua?

(VNF) - Nhiều cổ phiếu Thủy sản và Dệt may ghi nhận mức tăng hàng chục phần trăm chỉ trong vòng 1 tháng qua, nhờ thông tin hỗ trợ từ diễn biến và xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND.

Tin chứng khoán 27/9: Cổ phiếu thủy sản và dệt may đã tăng bao nhiêu trong 1 tháng qua?

Nhóm cổ phiếu Dệt may đồng loạt ghi nhận mức tăng "khủng" trong 1 tháng qua.

Tin chứng khoán: "Hốt bạc" từ cổ phiếu thủy sản, dệt may

Theo báo cáo nhận định về tác động của tỷ giá lên thị trường chứng khoán do Công ty Chứng khoán FUNAN (FNS) công bố mới đây, 2 nhóm ngành điển hình hưởng lợi từ việc tỷ giá USD/VND tăng là Thủy sảnDệt may.

FNS phân tích, các doanh nghiệp dệt may phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công. Do đó, tỷ giá USD/VND sẽ làm tăng đội giá sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn, nguồn thu ngoại tệ ổn định thì việc tỷ giá tăng sẽ có tác động tích cực.

Như vậy, không phải tất cả doanh nghiệp dệt may đều hưởng lợi rõ rệt. Đối với một số doanh nghiệp dệt may có sản lượng xuất khẩu thấp hoặc/và có mức độ làm chủ nguyên liệu trong nước kém thì các doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi rất ít từ việc tỷ giá tăng.

Trong khi đó, những doanh nghiệp trong nhóm ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND do xuất khẩu ròng cao.

Cũng vì lý do tỷ giá mà trong 1 tháng gần đây, nhóm ngành Thủy sản và Dệt may đã tạo ra sức hút rất lớn trên thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu trong 2 nhóm ngành này ghi nhận mức tăng rất ấn tượng.

Chẳng hạn như ở ngành thủy sản, cổ phiếu HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương đã tăng tới 75% chỉ trong 1 tháng qua, từ 3.440 đồng/cổ phiếu chốt phiên 27/8 lên 6.010 đồng/cổ phiếu mở phiên 26/9. Còn cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn thì tăng 31% sau 1 tháng, từ 73.500 đồng/cổ phiếu lên 96.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu MPC của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng 34%.

Cùng với đó, cổ phiếu ACL của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu long An Giang ghi nhận mức tăng 32%; cổ phiếu AGF của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang tăng 37%; cổ phiếu TS4 của Công ty Cổ phần Thủy sản Số 4 tăng 40%; cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group tăng 23%.

Tăng ít hơn là cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt và cổ phiếu IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI cùng ghi nhận mức 16% sau 1 tháng. Cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta tăng 14%.

Riêng cổ phiếu AAM của Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong chỉ tăng 6,82% (nếu không tính phiên tăng trần ngày 25/9 thì thậm chí còn không tăng trong 1 tháng qua).

Thực tế, ngoài thuận lợi từ diễn biến tỷ giá, nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đang hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá thấp vào thị trường Hoa Kỳ.

Đối với ngành Dệt may, mức tăng ấn tượng không kém. Cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tăng tới 61% sau 1 tháng, từ 11.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên 27/8 lên 18.700 đồng/cổ phiếu mở phiên 26/9.

Bên cạnh đó là cổ phiếu GMC của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn với mức tăng 34%; cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng 40%; cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 46%.

"Kém" hơn là cổ phiếu GIL của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh với mức tăng 14%; cổ phiếu VGG của Tổng công ty May Việt Tiến tăng 16%.

Như đã phân tích, không phải cổ phiếu dệt may nào cũng hưởng lợi rõ rệt từ việc tỷ giá USD/VND trong xu hướng tăng. Điều này phản ánh trên diễn biến giá của một số cổ phiếu, như cổ phiếu ADS của Công ty Cổ phần Damsan chỉ tăng 5% trong 1 tháng qua; cổ phiếu KMR của Công ty Cổ phần Mirae tăng 4%...

VN-Index giằng co tích lũy quanh vùng 1000 - 1015 điểm

Phiên 26/9, VN-Index giằng co sát mức tham chiếu trong suốt phiên sáng, có được sắc xanh trong suốt phiên chiều, tuy nhiên lại đóng cửa tại 1.009,61 điểm, giảm nhẹ 1,13 điểm (-0,11%). VN30-Index cũng giảm nhẹ 0,72 điểm (-0,07%), đóng cửa tại 984,39 điểm.

Diễn biến giằng co của thị trường do nhóm vốn hóa trụ cột phân hóa trong thế cân bằng. Nhóm VN30 ghi nhận 15 mã tăng và 15 mã giảm, với MSN, HPG, MWG, VIC, VCB, VNM, KDC, PLX, PNJ, NVL, GAS là các mã gây áp lực lên chỉ số, trong khi VRE, REE, DPM, VPB, MBB, DHG, STB…là các mã giúp chỉ số cân bằng lại.

Các nhóm ngành cũng diễn biến trái chiều. Nhóm Dệt may tiếp đà tăng đáng kể với các cổ phiếu quen thuộc như STK, TNG, VGG, VGT, EVE và TCM. Nhóm điện bất ngờ khởi sắc khi PPC dư mua trần và một số cổ phiếu khác đều tăng trên 2% như PC1, REE, SJD, NT2… Nhóm khai thác đá xây dựng cũng hưởng ứng khi KSB tăng 4,1% bên cạnh DHA và NNC.

Nhóm Ngân hàng và Chứng khoán có số mã tăng giảm ngang nhau, điểm tích cực là sắc xanh vẫn ghi nhận ở các mã đầu ngành như SSI, HCM hay TCB, VPB, MBB… Riêng nhóm Dầu khí chịu áp lực chốt lời sau các phiên tăng liên tục trước đó.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, VN-Index đã có phiên giao dịch giảm điểm nhẹ với cây nến ngày vẫn là nến giảm Doji, đà tăng tiếp tục chững lại trong khi một số chỉ báo phân tích kỹ thuật đã tăng lên cao quanh vùng quá mua. Thanh khoản tiếp tục tăng so với phiên liền trước cho thấy lực cung đã tăng lên trong phiên.

"Xu hướng tăng của VN-Index có khả năng sẽ được duy trì, tuy nhiên chỉ số sẽ có nhịp giằng co tích lũy quanh vùng điểm hiện tại 1000-1015", SSI nêu quan điểm.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường giảm điểm do diễn biến điều chỉnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong các phiên tới, nhóm này dự kiến tăng điểm trở lại giúp thị trường hồi phục

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên