Tài chính

Tin chứng khoán 9/10: Ẩn số người mua trong thương vụ SCIC thoái toàn bộ vốn khỏi Vinaconex

(VNF) - Để sở hữu quyền kiểm soát Vinaconex, nhà đầu tư sẽ phải chi ra trên 5.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ thâu tóm Vinaconex? Nhà đầu tư ngoại hay nội?

Tin chứng khoán 9/10: Ẩn số người mua trong thương vụ SCIC thoái toàn bộ vốn khỏi Vinaconex

Ai sẽ thâu tóm Vinaconex?

Tin chứng khoán: Vinaconex sắp về tay chủ mới

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây đã đưa ra thông báo sẽ thoái toàn bộ gần 255 triệu cổ phiếu VCG của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tương đương tỷ lệ sở hữu 57,71%.

Thương vụ này sẽ được thực hiện qua phương thức đấu giá công khai trọn lô trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến tiến hành trong quý IV/2018. Nếu tính theo thị giá cổ phiếu VCG chốt phiên 8/10, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra trên 5.000 tỷ đồng để đổi lại quyền kiểm soát hoàn toàn Vinaconex.

Thời điểm SCIC công bố thông tin trên khá đáng chú ý. Sau nhiều tháng im ắng chờ ngày chính thức về "siêu ủy ban" quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đến nay mới "dám" tiến hành thoái vốn. Sau thương vụ Nhựa Bình Minh hồi đầu năm, SCIC chưa thực hiện thương vụ thoái vốn nào đình đám và Vinaconex sẽ là thương vụ như vậy, đồng thời giúp "siêu doanh nghiệp" này hoàn thành các kế hoạch kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ thâu tóm Vinaconex?

Trong thông báo phát đi hôm qua (8/10), các đối tượng được tham gia thâu tóm Vinaconex gồm: Nhà đầu tư trong nước (cá nhân, tổ chức); Nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức); Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư (trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần đăng ký mua của từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua và đảm bảo giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Vinaconex là 49%).

Qua trường hợp của Sabeco, giới hạn tỷ lệ nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài xem như... vô nghĩa. Nghĩa là thực tế, gần như không có giới hạn nào trong đối tượng được phép thâu tóm Vinaconex.

Hiện có 2 nhà đầu tư nước ngoài là 2 quỹ ngoại đang nắm giữ đáng kể lượng cổ phiếu VCG, gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1%) và Market Vectors Vietnam ETF (sở hữu 4,45%).

PYN Elite Fund không phải là cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ ngoại này hiện đang đầu tư lớn vào MWG, TPBank, HBC, HDBank... Từ đầu năm tới nay, PYN Elite Fund đã mua vào tới gần 2,6 triệu cổ phiếu VCG.

Tuy nhiên, khác với Sabeco, sức hấp dẫn của Vinaconex nằm ở bất động sản và xây dựng. Điều này cuốn hút nhà đầu tư nội hơn là nhà đầu tư ngoại.

Đơn cử như trường hợp gần đây là dự án khu đô thị Splendora do Vinaconex nắm 50% vốn. Nhà đầu tư Hàn Quốc Posco E&C đã "rút chân" khỏi dự án này vào tháng 12/2017, nhường chỗ cho Công ty Địa ốc Phú Long - thành viên của Tập đoàn Sovico (Sovico Holdings).

Thực tế, Vinaconex và Sovico Holdings đã ký kết hợp tác chiến lược từ năm 2010. Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam và nước ngoài trong các lĩnh vực đầu tư gồm bất động sản (khu đô thị, tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao), sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thủy điện, nước sạch. 

Ngoài dự án Splendora, trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex còn đang đầu tư các dự án 97 Láng Hạ, dự án 2B Vinata, dự án tại 93 Láng Hạ và số 25 Nguyễn Huy Tưởng.

VN-Index tiếp tục giảm?

Phiên 8/10, thị trường tiếp tục giảm mạnh. VN-Index giảm 12,27 điểm (-1,22%), đóng cửa tại mức 996,12 điểm là mức thấp nhất trong phiên. VN30-Index với mức giảm 10,47 điểm (-1,07%) xuống 970,28 điểm.

Nhóm Vingroup và GAS đứng đầu danh sách các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index. VIC và VRE đều duy trì trạng thái điều chỉnh trong toàn bộ thời gian giao dịch, đóng cửa lần lượt giảm 1,9% và 4,1%, trong khi đó VHM mặc dù tăng điểm trong phần lớn thời gian trước thông tin Vinhomes trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tuy nhiên áp lực bán mạnh vào cuối phiên khiến cho VHM quay đầu giảm 2,1%.

Nhóm Dầu khí & Xăng dầu ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh giá dầu thô điều chỉnh. GAS giảm 2,9% trong khi PLX, OIL giảm lần lượt 3,2% và 4,7%. PVT là cổ phiếu hiếm hoi trong nhóm này tăng điểm sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh 9 tháng tích cực.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, VN-Index tiếp tục giảm mạnh với cây nến ngày là nến giảm có bóng nến trên và tạo khoảng trống với cây nền liền trước, cho thấy đà giảm dứt khoát. Thanh khoản thấp hơn so với phiên liền trước, tuy nhiên chưa xuất hiện tín hiệu tiết cung do mức giảm không đáng kể.

"Chỉ báo TRENDER ngắn hạn của VN-Index đã chuyển xu hướng GIẢM và một số chỉ báo phân tích kỹ thuật khác cũng cho tín hiệu tiêu cực nên chỉ số có khả năng tiếp tục điều chỉnh. Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index trong phiên kế tiếp lần lượt tại mức 990 và 980, ngưỡng 980 là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn nên đà giảm sẽ chậm lại khi chỉ số về gần ngưỡng này", SSI cho hay.

Còn theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong phiên tiếp theo, phản ứng hồi phục có thể xảy ra giúp chỉ số tăng điểm trong phiên. Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng hồi kỹ thuật nên thị trường có thể tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ mạnh 980 điểm trước khi hồi phục trở lại.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên