Ngân hàng

Tín dụng đang 'chảy' mạnh vào dịch vụ, bất động sản

(VNF) – Tín dụng đang tập trung vào kỳ hạn trung và dài hạn, trong khi xét ở khía cạnh ngành kinh tế, lĩnh vực dịch vụ đang chiếm tỷ trọng tín dụng cao nhất. Vốn tín dụng cũng "chảy" khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản.

Tín dụng đang 'chảy' mạnh vào dịch vụ, bất động sản

Vốn tín dụng đang tập trung vào đâu?

Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tính đến hết ngày 31/08/2016 đạt 4.943 tỷ nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2015.

Như thường lệ, phần lớn vốn tín dụng được tập trung vào hoạt động cho vay với tỷ trọng 92,2%, trong khi đó, vốn tín dụng tập trung vào trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 7,8%.

Xét về khía cạnh tiền tệ, vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào VND với tỷ trọng 91,2%, còn lại là các ngoại tệ khác, trong đó phổ biến nhất là USD.

Xét về khía cạnh kỳ hạn, vốn tín dụng trung và dài hạn đang chiếm tỷ trọng cao hơn vốn tín dụng ngắn hạn với tỷ trọng đạt mức 55,9% tổng tín dụng tính đến thời điểm kết thúc ngày 31/08/2016. Tuy nhiên, tín dụng trung và dài hạn đang tăng trưởng chậm lại, đạt mức 11,1% trong 8 tháng đầu năm 2016, trong khi cùng kỳ 2015, con số này là 18,7%.

Vốn tín dụng đang tập trung vào đâu?

Vốn tín dụng đang tập trung vào kỳ hạn trung và dài hạn, trong khi xét ở khía cạnh ngành, vốn tín dụng "chảy" mạnh vào lĩnh vực dịch vụ

Xét về khía cạnh ngành kinh tế, vốn tín dụng đang tập trung lớn nhất vào hoạt động dịch vụ với tỷ trọng lên tới 36,6% tổng tín dụng. Tín dụng vào ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 22,2%, trong khi tín dụng vào ngành thương mại chiếm tỷ trọng 17,8%. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng.

Vốn tín dụng hiện cũng đang dồn khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Tính đến hết tháng 8/2016, tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 5,3% so với cuối năm 2015, chiếm 8,5% tổng tín dụng. Con số này thời điểm cuối năm 2015 là 8,9%.

Ngoài ra, hoạt động tiêu dùng liên quan đến bất động sản cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Hiện tín dụng tiêu dùng đang chiếm 11,3% tổng tín dụng, tăng 1,6 điểm% so với con số 9,7% của năm 2015, tăng mạnh 28,7% so với thời điểm cuối năm 2015.

Trong đó, 49,9% tín dụng tiêu dùng là tập trung vào hoạt động sửa chữa nhà, mua nhà để ở. Còn lại 26% là tập trung vào mua đồ dùng trang thiết bị và 10,7% là tập trung vào mua sắm phương tiện đi lại.

Một thông tin cũng khá đáng chú ý khác trong báo cáo tháng 9 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đó là chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng đang chậm cải thiện.

Cụ thể, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, nợ xấu phân bổ không đều, tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó, 19 tổ chức tín dụng hiện đang nắm giữ tới 55,1% tổng nợ xấu toàn hệ thống.

Lãi dự thu của hệ thống tổ chức tín dụng thời điểm kết thúc ngày 31/08/2016 đã tăng tới 17,2% so với cuối năm 2015 và cũng tập trung tại một số tổ chức tín dụng yếu kém. Theo thống kê, lãi dự thu của 9 tổ chức tín dụng hiện đang chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống.

Theo các chuyên gia ngân hàng, lãi dự thu lớn phản ánh nợ xấu tiềm ẩn lớn.

Tin mới lên