Ngân hàng

Tín dụng ngân hàng nhóm dưới tăng vọt: Mừng hay lo?

(VNF) – Đang có hiện tượng tín dụng tăng vọt tại các ngân hàng nhóm dưới.

Tín dụng ngân hàng nhóm dưới tăng vọt: Mừng hay lo?

Tín dụng 9 tháng đầu năm 2017 tại nhiều ngân hàng nhóm dưới tăng trên dưới 20%

Tín dụng tăng trên dưới 20%

Các ngân hàng thương mại đang vào thời kỳ cao điểm công bố báo cáo tài chính quý III/2017. Nét vẽ trong bức tranh tài chính tại các ngân hàng đã có những định hình nhất định, trong đó nổi bật là hiện tượng tăng vọt về dư nợ tín dụng tại các ngân hàng nhóm dưới.

Như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), dư nợ tín dụng đến hết ngày 30/9/2017 của ngân hàng này đạt mức 72.348 tỷ đồng, tăng tới 20% so với hồi đầu năm.

Một ngân hàng khác hiện cũng đang có mặt trên sàn UPCoM là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng ghi nhận mức tăng tín dụng ấn tượng 19,3% sau 9 tháng, đạt 23.590 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thậm chí còn ghi nhận mức tăng tín dụng lên đến 21,6%, đạt 56.708 tỷ đồng.

Ấn tượng không kém là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank). Theo thông tin từ OCB, dư nợ tín dụng hết quý III của ngân hàng này đạt 46.843 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch. Nếu so với mức dư nợ 39.607 tỷ đồng hồi đầu năm, mức tăng tín dụng là 18,3%.

Với HDBank, thông tin từ ngân hàng này cho biết, dư nợ tín dụng hiện đang ở mức 104.233 tỷ đồng. So với con số 82.224 tỷ đồng hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng của HDBank 9 tháng qua lên đến 26,8%.

Trên dưới 20% là mức tăng trưởng tín dụng rất cao. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sau 9 tháng đầu năm chỉ ở mức trên 12%.

Mừng hay lo?

Tín dụng tăng vọt, nghĩa là các ngân hàng đang rất muốn đẩy mạnh lợi nhuận. 9 tháng đầu năm nay, tình hình lợi nhuận của các ngân hàng nhóm dưới khá khả quan. Đơn cử như VIB ghi nhận mức tăng lợi nhuận gấp rưỡi cùng kỳ, đạt 623 tỷ đồng; hay như Kienlongbank, lợi nhuận cải thiện rất rõ rệt khi tăng tới gần 10 lần kỳ này, lên mức 153 tỷ đồng.

Với TPBank, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 806 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ, rộng đường đạt lợi nhuận nghìn tỷ vào cuối năm. OCB gây ấn tượng mạnh với lợi nhuận trước thuế 789 tỷ đồng sau 9 tháng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2017, tăng tới 63% so với lợi nhuận cả năm 2016.

Ấn tượng nhất là HDBank khi ngân hàng này báo lãi tới 1.912 tỷ đồng, tăng vọt 279% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để hướng đến lợi nhuận cao là điều đáng mừng với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhóm dưới. Thành quả cũng đã thể hiện một phần trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Bản thân việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng là giải pháp tức thời để giảm tỷ lệ nợ xấu, tạo ra thêm một điểm sáng trong tình hình tài chính của các ngân hàng.

Thời kỳ trước năm 2012, khi tín dụng tăng vọt ở các ngân hàng cũng là thời kỳ tích tụ nợ xấu khổng lồ cho giai đoạn sau đó. Với bài học cũ, các ngân hàng chắc chắn sẽ chừng mực hơn, tuy nhiên, kiểm soát chất lượng tín dụng luôn là bài toán không hề đơn giản.

Rủi ro thanh khoản cũng là một vấn đề. Các ngân hàng nhóm dưới thường trong trạng thái khá "chơi vơi" trong huy động vốn.

TPBank là một điển hình. Dư nợ tín dụng của TPBank hiện là 56.708 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng – nguồn vốn huy động mang tính cốt lõi và bền vững – hiện ở mức 58.903 tỷ đồng, nghĩa là gần như toàn bộ nguồn vốn huy động từ khách hàng (58.903 tỷ đồng) đã được tài trợ cho hoạt động tín dụng, cũng nghĩa là các hoạt động khác của TPBank phụ thuộc hầu hết vào nguồn vốn đi mượn từ các ngân hàng khác.

Tình hình tại VIB cũng khá tương đồng. Tiền gửi khách hàng của VIB hiện ở mức 66.491 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng lên đến 72.348 tỷ đồng, nghĩa là tiền gửi khách hàng thậm chí còn không đủ để trang trải dư nợ tín dụng.

Tham vọng của các ngân hàng nhóm dưới rõ ràng không nằm ở "nhóm dưới". Để tiến lên nhóm trên, tăng trưởng mạnh về tín dụng là điều bắt buộc bởi điều này làm gia tăng cả về quy mô tài sản, thị phần lẫn lợi nhuận. Mừng hay lo hiện nằm ở chuyện kiểm soát rủi ro ở từng ngân hàng có tốt hay không và cơ quan quản lý có nhanh chóng nắm được rủi ro để có biện pháp điều hành kịp thời hay không.

Tin mới lên